Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Hãy cho nhiều hơn những gì người ta mong đợi

Có một ngày, một cậu bé nghèo vì muốn kiếm đủ tiền đóng học nên đã đi hết nhà này đến nhà khác để bán hàng. Cả ngày lao động mệt mỏi khiến cho cậu cảm thấy rất đói, nhưng vét sạch túi cậu chỉ tìm được vài xu. Cậu quyết định vào một ngôi nhà để xin xin một bữa ăn. Khi người mở cửa là một cô gái xinh đẹp, cậu không biết phải nói như thế nào. Thay vì xin một bữa ăn, cậu chỉ xin một cốc nước. Cô bé trông dáng vẻ của cậu liền mang ra cho cậu một cốc sữa to. Cậu bé từ từ uống hết cốc sửa, rồi hỏi: "Tôi phải trả bao nhiêu tiền"? Cô gái trả lời: "Cậu không phải trả tiền, mẹ dạy chúng tôi là làm việc tốt không chờ được báo đáp". Cậu bé nói: "Thế thì xin cô nhận lấy lời cảm ơn chân thành của tôi". Nói xong cậu bé rời khỏi ngôi nhà. Lúc đó cậu không những cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh mà cậu còn cảm thấy như nhìn thấy thượng đế.

Thực ra cậu bé đã dự định thôi học, nhưng cậu đã thay đổi quyết định.

Nhiều năm sau, cô bé xinh đẹp đó mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, bác sĩ địa phương đã phải bó tay. Cuối cùng cô bé được chuyển đến điều trị ở một thành phố lớn.

Cậu bé năm xưa bây giờ đã là Howard Kaley bác sĩ nổi tiếng trong ngành. Cậu cũng tham gia vào việc đưa ra phương án chữa trị cho cô bé. Khi xem lai lịch của bệnh nhân, một ý nghĩ lạ thoáng qua trong đầu, cậu vội vàng chạy đến phòng bệnh. Khi đến phòng bệnh, Kaley nhận ngay ra bệnh nhân chinh là ân nhân đã giúp mình ngày nào. Cậu trở về phòng làm việc của mình, quyết định phải cố gắng hết sức để chữa khỏi bệnh cho ân nhân của mình. Trải qua những nỗ lực gian khổ, cuối cùng cuộc phẫu thuật đã thành công.

Khi giấy thông báo viện phí được đưa đến tay bệnh nhân đặc biệt này, cô không dám xem bởi cô biết đây là một khoản tiền lớn, để thanh toán cô sẽ không đủ số tiền đó. Cuối cùng cô cũng lấy hết dũng khí để nhìn vào giấy thông báo. Dòng chữ nhỏ bên cạnh giấy thông báo khiên cô phải chú ý và không kìm được, cô đọc nhỏ lên thành tiếng: "Viện phí: Cốc sữa đầy. Bác sỹ Howard Kaley".

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

KHI BÀ TIẾN SĨ HỘI PHŨ NỮ VIỆT NAM CA BÀI CA LUÂN LÝ



NGUYỄN DƯƠNG
Mới đây báo chí  đưa tin tạiHội nghị tập huấn về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà tiến sĩ  Nguyễn Thị Mai Hoa, phó trưởng Ban Tuyên giáo thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát biểu trước báo giới nêu rõ quan điểm của mình về tệ nạn mại dâm:“Nữ bán dâm sẽ không biết xấu hổ khi cần tiền”. 
“Tinh thần” chung trong bài phát biểu của bà tiến sĩ Hoalà cực lực lên án các cô gái bán dâm, xem đó là hình ảnh mang lại nỗi nhục quốc thể, là nguyên nhân dẫn đến đất nước suy nhược: “Mại dâm là nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Mại dâm vẫn là rào cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây bất ổn về trật tự chính trị – xã hội”.
Đi xa hơn nữa bà Phó ban tuyên giáo của Hội đã “nâng quan điểm” và mạt sát những phụ nữ bán dâm thật thậm tệ. “Ở bất cứ xã hội nào, phụ nữ làm nghề mại dâm đều bị coi là loại người xấu xa, mạt hạng…bị xã hội, gia đình, người thân coi khinh, dư luận xã hội lên án”.
Và cuối cùng bà đã có câu kết luận thật chua chát và cay nghiệt: “Gái bán dâm sẽ không biết xấu hổ khi cần tiền”.
Thưa bà. Tôi không hiểu bà ở trong tổ chức cao nhất của Hội phụ nữ để làm gì khi mà bà không hề có một lời chia sẻ, cảm thông với những cô gái bán dâm, thay vào đó bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu lời cay độc bà đều đổ lên đầu họ. Bà có biết hầu hết các cô gái bán dâm đều từng mơ ước được học hành lên đến học vị tiến sĩ như bà, được ngồi vào cái ghế phó ban tuyên giáo của hội phụ nữ quốc gia (và sẽ còn tiến xa hơn nữa) như bà hay không?  Và có biết bao cô gái muốn thoát ra con đường đó mà nào có được. Tại sao cùng phận nữ nhi má hồng  mà bà lại không hề có chụt chạnh lòng, thương cảm cho hoàn cảnh của họ.
Tôi nghỉ họ đâu đủ tầm và đủ sức để có thể là suy thoái đạo đức của dân tộc, làm mất đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Và họ cũng không có đủ thâm độc, nguy hiểm như “các thế lực thù địch” để có thể làm “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, gây “bất ổn” về trật tự chính trị – xã hội. Nếu như nói theo khẩu khí của bà thì chính gái mại dâm đã làm cho đất nước này kiệt quệ, đạo dức xã hội xuống cấp, gây nên bất ổn chính trị -  xã hội… Sao đất nước tươi đẹp và giàu mạnh của chúng ta có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ lại có thể mong manh dể vở đến như vậy. Sao những con điếm xấu xa, mạt hạng như bà nói lại có thể làm được cái chuyện còn ghê gớm hơn đế quốc phản động như vậy!
Gái bán dâm không phải ai cũng thích ăn diện, lười lao động như bà nói mà phần đông trong số họ là do hoàn cảnh đưa đẩy, số phận không sắp đặt cho họ có một cuộc sống bình lặng, êm ấm. Bà nghỉ họ sung sướng lắm hay sao khi phải từ bỏ ước mơ được học hành, được vui chơi, có người yêu thương mình và có một mái ấm gia đình. Phần đông các cô gái bước chân vào cái nghề này không phải vì bản thân họ mà vì hoàn cảnh gia đình. Bà có biết những đồng tiền mà họ kiếm được sẽ giúp cha mẹ già đau ốm ở quê nghèo sống qua ngày, cho các em ăn học để nuôi niềm mơ ước sẽ không đi lại theo con đường của họ. Chắc bà chưa bao giờ phải chạnh lòng khi thấy các cô gái bán hoa khi ra bưu điện gửi tiền về cho gia đình mà không biết viết. Có cô gái bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm còn nhắn lại với bảo kê, tú bà hàng tháng cứ gửi dùm tiền về cho cha mẹ rồi mai mốt ra trại làm lại trả nợ… Rồi có những phụ nữ đã bước sang tuổi 40 – 50 vẫn phải đi bán dâm hàng đêm, họ đâu còn đủ sức để mà đua đòi ăn diện chẳng qua là vì đói nghèo.
Nói cho công tâm, trong bài phát biểu của mình bà cũng chỉ ra hoàn cảnh đã đưa đẩy họ vào con đường này: “Nông dân thiếu ruộng sản xuất do bị thu hồi, công nhân thiếu việc làm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới cộng với tình hình di dân tự do phát triển nên tình hình tệ nạn mại dâm nói riêng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn phức tạp”. Hì hì đúng là giọng điệu của dân tuyên giáo. Diễn biến phức tạp và tiềm ẩn phức tạp là cái giống gì? Sao bà không nói huỵch toẹt là dạo này ở quê không có đất làm ruộng, ở thành thị thì không có việc làm nên người ta đổ xô đi làm đĩ và số lượng đĩ năm tới sẽ cao hơn cùng kỳ năm nay. 
Bà có đau lòng hay không khi báo đưa tin  “Gần 70 cô gái chen chân dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc, “126 cô gái VN bị rao bán như hàng hóa ở Malaysia”… Bà có biết khi bước chân vào nghề này họ đã chấp nhận mọi đắng cay, bị hành hạ đánh đập, bóc lột như nô lệ. Rồi hàng ngàn cô gái bị bán sang nước ngoài làm điếm chịu bao đọa đày tủi nhục. Rồi hàng vạn cô dâu Việt bán thân sang xứ người với chuỗi ngày đầy nước mắt, trong đó có người bị chồng đánh đập cho đến chết, có người không chịu nỗi cảnh sống địa ngục đã phải nhảy lầu tự tử.
Sao lúc đó chẳng thấy Hội phụ nữ của bà đâu cả, sao không thấy bà hiệu triệu chị em phụ nữ  xuống đường vạch mặt bọn đầu gấu, tú bà, bọn buôn người bất nhân. Chắc lúc đó bà đang bận đăng đàn chưởi gái mại dâm.
Về câu nói gái mại dâm “Làm xấu đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam” tôi thấy bà đã hơi quá lời rồi đó. Người nước ngoài, nhất là báo chí nước ngoài khi nhìn nhận, đánh giá về nạn mãi dâm ở VN họ không hề đổ lỗi hoặc coi thường người phụ nữ mà thay vào đó là sự cảm thông, chia sẻ. Họ không lên án gái bán dâm mà mổ xẻ tìm ra nguyên nhân nào đã đưa đẩy người phụ nữ vào con đường này và tìm ra lối thoát cho họ. Đó chính là cách nhìn “biện chứng” và nhân văn chứ không quy chụp, miệt thị như bà. Ở bất cứ đất nước văn minh nào trên thế giới đều có phố đèn đỏ nhưng chẳng ai xem thường, có cái nhìn xấu về hình ảnh người phụ nữ ở những đất nước đó cả. Cũng như nghề mại dâm ở VN đã có từ thời xa xưa  (có một thời ta đã ngộ nhận “là tàn dư của chế độ cũ”) và đến nay nó đã tiếp tục phát triển như một quy luật tất yếu của xã hội loài người. Và chính vì vậy mà hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chẳng xấu hoặc tốt hơn lên vì nghề mại dâm cả.
Bà nói “Gái bán dâm sẽ không biết xấu hổ khi cần tiền” đúng nhưng chưa đủ. Nếu cần tiền thì không riêng gì gái mại dâm mà hầu hết mọi người đều không biết xấu hổ. Nếu cần tiền để chữa chạy cho con đang nằm viện thì thằng đực rựa vừa xấu vừa già như tôi cũng sẵn sàng bán dâm (nếu có người mua) mà không biết xấu hổ. Chỉ đáng khinh là có người đã có quyền, có tiền mà vẫn làm điều đáng hổ thẹn như chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, dối trên gạc dưới, vơ vét, tham ô, sống vô cảm với đồng bào, có khi đi lên bằng chính thân xác của mình. Thưa bà chính những người như thế mới làm xấu đi hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đó.
Tất nhiên trong bất cứ xã hội từ cổ chí kim nào thì không ai cổ súy, ca ngợi cho cái nghề bán dâm, nhưng để mà đánh giá họ là xấu xa, mạt hạng, bị coi khinh, lên án như bà thì thật là kinh quá. Trong khi Quốc Hội đang bàn thảo có nên xem mại dâm là một nghề và mới đây bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng cục tệ nạn xã hội phát biểu rất nhân bản: “Vì nhiều hoàn cảnh xô đẩy mà phụ nữ phải bước vào con đường mại dâm nên phải giúp đỡ để họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, giúp họ bớt bị tổn thương” thì bà đã lại có những phát ngôn ấn tượng quá.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến bài hát “Nhăng nhố” của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát mà nếu ai nghe qua dù sắt đá, cay nghiệt lắm cũng phải mềm lòng. “Để mai em lấy được anh chồng hiền. Thì ta sẽ đến tặng em thật nhiều. Nhiều bông hoa trắng… triệu bông hoa trắng. Để em lên xe hoa, hoa trắng giăng đầy. Em hết những ngày lang thang.”
Nếu không yêu thương được thì xin bà đừng rẻ rúng làm tổn thương họ.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Kim Jong-il chết. Mô hình CNXH nguyên bản



cnxh trieu tienKim Jong-il chết. Mô hình CNXH nguyên bản cuối cùng còn giữ được hay không đang trông chờ vào “cu cậu” đại tướng Kim Jong Un.
          Kim Jong-il, nhà lãnh tụ độc tài của Triều Tiên, đất nước được coi là “bí mật” nhất trong các quốc gia Cộng sản hiện thời vừa qua đời. Sự ra đi của ông, dù đã được báo trước từ rất lâu, và dù ông cũng đã chuẩn bị xong cho sự kế nghiệp của “thằng” con út đại tướng. Nhưng tôi vẫn lo. Nhìn tướng mạo cậu đại tướng mặt búng ra sữa kia khiến tôi không thể tin nổi cậu ta có thể kế nghiệp bố để chăm lo cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của đất nước Triều Tiên ấy.
          Vì thế, rất có thể 2 khả năng. Nếu không đủ sức giữ nổi sự nghiệp, cậu Kim Jong Un sẽ để đất nước rơi vào tay các phe nhóm chống đối, phản động. Hoặc khá hơn, Kim Jong Un sẽ “tự diễn biến”, mở toang cánh cửa ngột ngạt để… cải tổ, đổi mới!
          Cả hai khả năng trên, mô hình CNXH của Triều Tiên chắc chắn sẽ không còn, hoặc còn chăng thì cũng sẽ biến chất hoàn toàn khác. Và đó là điều tôi đang… lo sợ!
          Cuba trước đây cũng chẳng khác gì Triều Tiên. Nhưng từ khi “Castro em”- Raul Castro lên thay Fidel, Cuba cũng dần dần mở cửa, đổi mới. Với đà này, tôi tin chắc rồi đây Cuba sẽ chuyển mình tựa Việt Nam, Trung Quốc. Mà Việt Nam, Trung Quốc thì cho dù vẫn gọi là Cộng sản, vẫn CNXH, nhưng ai cũng thấy là nó rất khác, khác xa cái mô hình CNXH nguyên bản của Marx.
          Năm 2009, có dịp sang Cuba, thấy “nguy cơ” đổi mới của họ, tôi đã nảy ra một ý tưởng: Ngăn lại, đừng cho Cuba và Triều Tiên mở cửa! Ngược lại, biến hai quốc gia này thành haibảo tàng sống sinh động của mô hình XHCN. Để sau này, chúng ta còn có cái giới thiệu cho thế hệ con cháu rằng đấy là CNXH. Để vài chục năm nữa, vài trăm năm sau, nhân loại còn biết được có một thời tồn tại trên trái đất này một mô hình CNXH như thế đó, nghèo khó nhưng… kỳ thú! Cả thế giới sẽ ngùn ngụt kéo về tham quan, du khách trên khắp quả đất này, khắp các màu da, châu lục còn có cơ hội chiêm ngưỡng một mô hình di sản mang tên XHCN nguyên bản không bị tiết tấu, biến hóa…
          Đến nay, có thể nói, Triều Tiên vẫn là quốc gia Cộng sản duy nhất chưa chịu “mở của” hội nhập với thế giới. Hay nói cách khác, Triều Tiên là quốc gia Cộng sản bảo thủ nhất, Cộng sản còn giữ nguyên chất Cộng sản nhất, là mô hình CNXH… nguyên bản nhất!
          Vì thế, nhìn Kim Jong Un tôi sợ. Sợ “cu cậu” đại tướng kia sẽ làm mất đi cái mô hình XHCN nguyên bản “lừng lẫy” một thời. Nó chẳng khác gì hình ảnh một thời của chính chúng ta, thời trước đổi mới, hình ảnh một đất nước XHCN nghèo khó nhưng thân thuộc. Cứ nghĩ thế mà lo, thương và… tiếc, như cảm giác đôi khi ngẫm lại chợt bồi hồi nhớ về một thời xếp hàng đong gạo thời trước đổi mới của nước Việt mình.
          Mô hình CNXH nguyên bản cuối cùng còn giữ được hay không đang trông chờ vào “cu cậu” đại tướng Kim Jong Un.
          Kim Jong Un, cố lên!
Hãy làm tất cả để có được sự hoàn hảo
Hãy lấy tất cả những gì tốt nhất hiện đang có và làm cho nó tốt hơn
Nếu cái tốt nhất hiện đang chưa có thì hãy làm ra nó

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

RU CON

Tố Hữu

Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sông chăng một đóm lửa tàn mà thôi
Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu
Trăm giong sông đổ biển sâu
Biển chê sông cạn biển đâu nước còn
Tre gia yêu lấy măng non
Chắt chiu như me yêu con tháng ngày
Mai sau con lớn hơn thầy
Các con ôm cả hai tay đất tròn

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

VÀI ẤN TƯỢNG (tiếp)

Malaixia là đất nước có cơ sở hạ tầng giao thông khá phát triển, mặt đường rộng, thoáng với 6 làn xe cơ giới.  Nền đường vững chắc đảm bảo cho các xe có trọng tải lớn. Với chất lượng thi công tốt, nên xe lướt nhẹ và êm.   Cứ 150 km có một trạm dừng để phục vụ một số nhu cầu cần thiết và để khách đi vệ sinh. Chuyện đi vệ sinh ở nước ngoài Trương Duy Nhất có bài viết rất hay, xin trích:  "Nhiều bạn phỏng vấn tôi: anh Nhất hay ra nước ngoài, thấy ấn tượng nhất điều gì? Tôi hay bảo: là… chủ nghĩa xã hội! Mô hình chủ nghĩa xã hội mà Mác và Lê-nin mơ tưởng nó đang hiện hữu ở các nước Tư bản phát triển, chứ không phải ở các quốc gia Cộng sản. Họ tiến đến chủ nghĩa xã hội lâu rồi nhưng người ta im không nói, còn Việt Nam mình nói mãi, hô hào tiến lên mãi mà hơn nửa thế kỷ vẫn quẩn quanh ở “thời kỳ quá độ”. Có anh vặn: nói thế chung chung và mơ hồ quá, anh cụ thể vắn tắt xem chuyện gì, cái gì ấn tượng nhất, nói ra hiểu liền cơ! Hóa ra nói chủ nghĩa xã hội là chung chung mơ hồ. Thế thì cụ thể nhé: Nhiều người sang Mỹ đi Âu về ấn tượng bởi những tòa nhà chọc trời, về ô tô và mức sống như thiên đường… chủ nghĩa xã hội! Còn với tôi, ấn tượng nhất chính là chuyện… ỉa đái!
          Hôm rồi đi Canada, buổi gặp nào với người Việt xa xứ họ cũng hỏi tôi “anh Nhất ấn tượng điều gì”. Lần nào tôi cũng thật thà: là chuyện ỉa đái! Người Canada gọi cái chốn ỉa đái ấy là washroom. Nhìn washroom, chui vào washroom biết cái đất nước này nó sạch và văn minh cỡ nào. Không biết họ “thiết kế” cái đất nước Canada ra sao mà đi đâu, nhìn đâu cũng thấy washroom, bất kể giữa trung tâm phố thị hay heo hút giữa núi rừng. Như thể cứ lúc nào nghe cảm giác buồn… là thấy ngay washroom trước mặt. Họ giải thích thế này: Không vậy lỡ một người dân nào, bất chợt một lúc nào đó, ở đâu đó buồn ỉa mà tìm không kịp chỗ để cho họ đi, người ta sẽ kiện chính phủ ra tòa! Đi suốt từ Vancouver- Toronto- Ottawa- Montreal- Quebec… không thấy đâu họ thu tiền phí đái ỉa như Việt Nam mình.
           Hoặc hãy nhìn vào chỗ ỉa đái của Google để học gã khổng lồ này. Với Google, muốn tư duy, sáng tạo và phát triển, hãy tư duy và sáng tạo từ… cái bàn ỉa! Mọi chốn ỉa đái trong đại bản doanh của tập đoàn Google đều được trang bị giàn xí hiện đại và tối tân bậc nhất của Nhật Bản, chúng có khả năng sưởi ấm trong những ngày giá lạnh. Xả nước vẫn là chưa đủ, một nút bấm không dây ngay trên cánh cửa sẽ kích hoạt tính năng dọn vệ sinh và sấy khô vòng 3 cho người dùng. Không chỉ được nuông chiều bằng những bồn xí hi-tech, nhân viên Google còn được khuyến khích tận dụng tối đa khoảng thời gian "rảnh rỗi" hiếm hoi trong không gian yên lặng một mình này cho tư duy sáng tạo. Bên trong mỗi khoang toilet của Google đều gắn một bảng điện tử với mã test sử dụng cơ sở dữ liệu. Nó sẽ hiển thị những câu đố được thay đổi hàng tuần, xoáy vào những chủ đề kỹ thuật và mã lập trình testing. Toilet của Google phản ánh rõ triết lý làm việc của họ. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, hào phóng, toilet không chỉ là chốn ỉa đái, nó giúp con người cảm thấy nhẹ nhõm, thư giãn, vui vẻ và tư duy theo cách thức… không bình thường! Đấy là triết lý của Google và chính nhờ vậy mà Google có thể sáng tạo ra hàng loạt những sản phẩm, dịch vụ mới với tốc độ tên lửa!
          Năm qua Mỹ, tôi thấy thằng bạn cứ mỗi lần vào toilet là hắn lại ôm theo cái laptop. Hỏi mày tranh thủ chát chít với con nào à? Hắn bảo: tư duy nghiêm túc chứ chát chít chi, không hiểu sao cứ mỗi lần ngồi ỉa, tớ lại tư duy ra nhiều chuyện lớn!
          Tôi tin hắn. Cũng như tôi tin, không ít phát kiến vĩ đại làm thay chuyển nhân loại đã có thể nảy sinh từ cái khoảng không gian một mình yên lặng ỉa đái này.
          Nói đâu xa, nhìn ngay mấy anh châu Á mũi tẹt da vàng như ta nhưng chuyện ỉa đái của họ cũng khác xa vời vợi. Hồi chuyện ỉa đái vẫn còn bậy như Việt Nam mình, Phó Thủ tướng Malaysia N. Razak đã bức xúc đến mức phải kêu gọi một cuộc "cách mạng toilet" trên toàn quốc. Ông tuyên bố: sự sạch đẹp của "chốn riêng tư" này là thước đo cho sự văn minh của một quốc gia.
          Người Hàn quốc thì đã biết nói không với tượng đài lãnh tụ để thay bằng tượng đài nhà xí. “Toà nhà toilet” Haewoojae, hay còn gọi là tượng đài nhà xí là một biểu tượng văn hóa kỳ thú và tự hào của Suwon. Kiến trúc trông như một bệ xí khổng lồ. Bên trong chứa 4 toilet, trong đó một toilet trung tâm có vách, trần, sàn đều làm bằng kính trong suốt và hệ thống âm thanh chất lượng cao phát các bản nhạc cổ điển du dương. Các bức vách của toilet sẽ tự động chuyển sang đục khi có người vào sử dụng. Tác giả tượng đài nhà xí này là kiến trúc sư Sim Jae Duck (người được mệnh danh là Mr. Toilet). Ông nói: “nên học cách xem toilet không chỉ là nơi để bài tiết mà còn là chỗ để thư giãn, suy tư và hạnh phúc”.
          Còn với người Nhật, toilet từ lâu đã trở thành một nét văn hóa quan trọng đến mức họ tổ chức hẳn một ngày lễ ỉa đái, gọi là “ngày toilet Nhật Bản” ấn định vào 10/11 hàng năm.
          Chuyện ỉa đái quan trọng và mang tính toàn cầu đến mức thế giới cũng đã có Tổ chức nhà cầu quốc tế (World Toilet Organization). Thành lập năm 2001, World Toilet Organization là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu dành riêng cho việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trưởng trên toàn thế giới. Hội nghị thượng đỉnh toilet thế giới lần thứ 11 sẽ được tổ chức trong các ngày 22-25/11 năm nay tại Hải Nam, Trung Quốc.
          Nhiều nước đã ban hành hẳn bộ qui chuẩn quốc gia về bồn cầu và không gian toilet. Cụ thể và chi li đến từng độ chuẩn ánh sáng, độ bóng sạch, chiều cao bề rộng cũng như hệ thống các “công cụ hỗ trợ”… Việt Nam rất nhiều thứ bộ qui chuẩn quốc gia, kể cả bộ chuẩn về gia đình văn hóa, tổ văn hóa, khu phố văn hóa, Hà Nội thậm chí còn đang xây dựng một bộ chuẩn gọi là “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Những thứ đó quá nhiều, nhiều đến mức không nhớ hết. Nhưng lại thiếu một bộ chuẩn về bồn cầu và không gian ỉa đái.
          Sẽ không quá khi nói rằng: muốn biết cung cách, nề nếp sinh hoạt, tính cách, thẩm mỹ, văn hóa của một chủ nhân, hay thậm chí là của một dân tộc, đừng nhìn vào phòng khách hay chỗ ngồi ăn, hãy nhìn vào chốn ỉa đái trong nhà họ.
          Vào chỗ ỉa đái, người ta không chỉ đái ỉa. Bồn cầu ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta thiết kế cả thiết bị điện từ phát sóng lan qua bồn cầu để đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể, hoặc để sưởi ấm, để đo nhịp tim, huyết áp… Có loại bồn cầu phát sáng trong bóng tối, có nắp đậy phát ra tiếng vo vo như ong khi bộ cảm biến hồng ngoại nhận ra cơ thể người, rồi còn có thể chơi một lúc 6 bản nhạc với tiếng chim hót líu lo, tiếng hòa âm của gió đến tiếng bập bùng của đàn hạc. Có loại bồn cầu vừa ngồi vừa lướt web, xem phim, thậm chí gắn hẳn một giàn nhạc giao hưởng.
          Nhìn chuyện ỉa đái, vào chốn ỉa đái của họ đủ biết mức sống, văn hóa của con người và dân tộc họ cách xa người Việt mức nào. Không có nền giáo dục nào mà cô giáo một tay cầm phấn dạy một tay cầm túi phân. Có quốc gia nào mà trung bình mỗi ngày, các đoàn tàu khách xuyên Việt thản nhiên tống đổ xuống đường ray trên 4 tấn phân người và 6 vạn lít nước tiểu.
          Lâu rồi, tôi đã viết: Trên thế giới này, chắc mỗi người Việt có văn hoá… đái đường. Hễ thấy những ai thản nhiên móc tay kéo quần tè bên vệ đường thì không cần phải hỏi quốc tịch, bởi chắc chắn đó chỉ có thể là người Việt Nam (xem bài Đông Tây nghịch- thuận trong loạt phóng sự “Ngao du trên trục Đông Tây”).
          Ngành văn hóa- du lịch hay thăm dò, thống kê ý kiến du khách. Thấy năm nào cũng đầy rẫy những ý kiến ấn tượng. Nhưng đã bao giờ lấy ý kiến du khách ngoại quốc quanh chuyện ỉa đái này? Nếu hỏi, tôi chắc đa phần họ “kinh sợ” Việt Nam nhất là chuyện… ỉa đái!
          Trong vô vàn mục tiêu phát triển, thôi thì chưa phát được cái gì trước hết hãy thay chuyển cho được chuyện ỉa đái. Ưu tiên cho mục tiêu ỉa đái trước có lẽ cũng là một cách thay chuyển văn hóa. Để thay chuyển hình ảnh đất nước, để đất nước phát triển và văn minh, có lẽ phải tư duy đầu tiên cho mục tiêu đái ỉa này!
          Lãnh đạo nhà mình, ai cũng “khiêm nhường” không muốn (hoặc không thể) tạo dấu ấn. Thôi thì đừng nói đến dấu ấn gì lớn lao, hãy cố gắng để lại dấu ấn làm thay chuyển chuyện ỉa đái này cũng đã là văn hóa và phước hạnh lắm rồi!"

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

HIỂU ĐỜI




Tác giả: Chu Dung Cơ – Thanh Dũng dịch

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày .Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lại một ngày...

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình. 

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. 

Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn. 

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thểyên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì khôhg đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham
uống...) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....ĐỀU LÀ MUỘN.

Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy : Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

"Chơi " là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

"Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt. 

"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN. 

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

10 chữ “đừng” và cơ hội thăng tiến



(Dân trí) - Thăng tiến đó là cái đích hướng tới của bạn khi bắt đầu một công việc. Tuy nhiên để đạt được điều đó thì lại không phải là dễ. 10 lời khuyên dưới đây giúp bạn định hướng rõ hơn cho kế hoạch thăng tiến trong tương lai của mình.
1. Đừng bao giờ nhận xằng công lao của người khác, nhưng cũng đừng để người khác nhận xằng công lao của mình. Một thái độ trung thực và rõ ràng trong công việc sẽ được bạn bè đồng nghiệp và sếp quý mến. Đồng thời sếp cũng sẽ đánh giá rất cao việc bạn biết cách đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình, vì chỉ khi bạn biết cách bảo vệ quyền lợi của mình bạn mới có thể bảo vệ được quyền lợi cho cơ quan khi được thăng tiến.

2. Đừng cố đỗ lỗi cho người khác. Khi một sự cố, sai lầm xảy ra, việc bạn thành khẩn nhận lỗi và cầu thị sửa sai còn đáng quý hơn nhiều so với việc bạn tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác. Việc làm đó cũng xấu ngang hàng với việc bạn ăn cắp công lao của người khác. Dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm là đức tính cần có của nhà lãnh đạo. Và đó cũng là yếu tố làm hài lòng nhà quản lý khi đưa ra những cân nhắc thăng tiến.

3. Đừng bịa đặt và thêu dệt chuyện để chống lại những người đang cạnh tranh với mình. Trong cạnh tranh bạn có thể dùng những biện pháp quyết liệt để “loại” đối thủ nhưng biện pháp đó phải trung thực, hợp pháp và hợp tình. Nên nhớ rằng khi bạn dùng "thủ đoạn" để loại đối thủ thì cũng sẽ có ngày ai đó dùng “thủ đoạn” để hạ bệ bạn.

4. Đừng tỏ ra quá thân thiết với sếp, lúc đầu bạn thấy có vẻ việc kết thân này đem lại cho bạn nhiều thuận lợi, nhưng về sau bạn sẽ thấy nó đem lại nhiều phiền toái hơn là ích lợi. Đừng để tình cảm xen lẫn vào công vịêc. Nếu bạn nhìn thấy ai đó đã từng được thăng tiến vì tình riêng, đừng dại gì học theo họ. Đó là sự thăng tiến không bền, một lúc nào đó bạn sẽ nhìn thấy người đó bị “sa cơ” cũng vì tình riêng.

5. Đừng để mình rơi vào những rối rắm của những mối tình nơi công sở. Đó là những tảng băng trôi huỷ hoại con đường thăng tiến của bạn bất cứ lúc nào. Bạn sẽ là tâm điểm của những “búa rìu” dư luận, hay những lời đơm đặt chẳng hay ho gì.

6. Đừng ngại công khai cho sếp và đồng nghiệp biết khả năng và trình độ của bạn. Tự tin với năng lực bản thân cũng khiến sếp và những người trong cơ quan đánh giá cao năng lực của bạn.

7. Đừng ngại kèm cặp và nâng đỡ “đàn em” và những nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm tại cơ quan. Đừng nghĩ rằng cho đi nghĩa là mất, kiến thức và lòng tốt là thứ cho đi càng nhiều ta nhận lại càng lớn. Và cái quý nhất mà bạn nhận được là cảm tình của sếp và mối quan hệ tốt đẹp của các đồng nghiệp.

8Đừng ngại làm thêm giờ nếu cần: Hãy làm việc bằng lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. Khi công việc quá nhiều, đừng ngại phải ở lại cơ quan làm thêm giờ hoặc giải quyết công việc ở nhà. Đừng vội đòi hỏi công lao trong việc làm thêm này cho đến khi nào năng lực của bạn được sếp công nhận.

9. Đừng chơi hay làm những việc vô bổ khi cơ quan có thời gian rảnh. Hãy tận dụng thời gian này để học tập, nâng cao kiến thức bản thân. Sếp sẽ rất hài lòng nếu như trong lúc rảnh bạn thường xuyên bổ túc kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ...

10. Đừng tỏ ra kiêu ngạo khi bạn được đánh giá cao hay đề bạt. Điều đó không có nghĩa là bạn không ý thức được địa vị mới của mình. Bạn cần để mọi người ý thức được điều đó những hãy cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp trước kia. Vì chính sự yêu quý của đồng nghiệp và thủ trưởng là cơ hội để bạn thăng tiến lên nấc thang cao hơn trên con đường công danh sự nghiệp của mình.
                                                                                                Lan Tường

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

CẢM TƯỞNG VỀ MỘT CHUYẾN ĐI


Chúng tôi xuống sân bay Cualalampơ khoảng bảy giờ tối giờ địa phương, sân bay đủ rộng để chúng tôi phải đi tàu điện để ra khỏi nó. Thủ đô Cualalampơ về đêm rực rỡ sắc màu. Xe đưa chúng tôi lượn một vòng quanh thành phố. Ăn tối, rồi về khách sạn. Thành phố sạch sẽ và yên tĩnh lạ thường. Người dân trên phố đón chúng tôi với cái nhìn thân thiện. Nhịp sống ở đây thật thanh bình. Qua ngươi phiên dich, chúng tôi biết được nhiều điều về đất nước và con người nơi đây. Có cái gì đó khiến tôi cư phải suy nghĩ mãi. Đúng là "ở nhà nhất mẹ nhì con, đi ra biết lắm kẻ dòn hơn ta".

Ấn tượng đầu tiên của tôi là dòng xe chạy hết sức trật tự trên đường, không một tiếng còi, không hề có bóng dáng cảnh sát, nhưng ai cũng nhất mực tuân thủ pháp luật. Người phiên dịch bảo rằng ở đây hầu như rất ít tai nạn giao thông. Nếu có xảy ra va chạm thì cũng không có chuyện cãi cọ, tất cả đều xử theo pháp luật, không như ở Việt Nam thường chúng ta tự xử và xe to đền cho xe nhỏ, dù mình không sai. Tinh thần thượng tôn pháp luật là động lực cho sự phát triển, con người không cần phải phồng mang, trợn mắt doạ dẫm người khác để tự bảo vệ mình mà tồn tại.

Chúng tôi ăn sáng tự chọn tại khách sạn. Khách sạn chúng tôi ở được xây từ những năm sáu mươi, nhưng đã được nâng cấp khá hiện đại, nhờ có vị trí đắc địa nên khá đông khách. Khách ăn sáng khá đông, nhưng rất trật tự, sự nhường nhịn dường như là một nét văn hoá đẹp chúng tôi bắt gặp khắp nơi. Nhưng điều mà dường như ở Việt Nam rất hiếm gặp.

Nước Việt ngàn năm văn hiến, nhưng giờ đây dường như người ta đang đạp lên nhau để sống. Sự nhường nhịn là của hiếm, thậm chí đôi lúc còn được gọi là "hâm". Đến như việc làm từ thiện cũng chứa đầy tính toán. Đã có vụ ăn chăn tiền dân bị phát giác, có vụ lợi dụng làm từ thiện để lừa đảo. Sau mấy chục năm tuyên truyền lối sống mình vì mọi người nhưng giờ đây con người lại đang sống mốt cách vô cùng ích kỷ. Đât nước có một rừng luật mà người dân đang sống theo kiểu luật rừng. Sự giả dối trở thành bình thường tới mức người ta coi đó là việc đương nhiên, và bây giờ thật thà chắc gì sống nổi. Làm gì người ta cũng vòi vĩnh, có lót tay thì công việc mới trôi chảy được. Có cầu chuyện vui kể rằng: " một bác sỹ muộn giờ làm nên đành phải phóng nhanh, bị cảnh sát thổi còi, liền rút tiền lót tay để đi. Sau đó một thầy giáo bị chính bác sỹ đó gây khó dễ lại phải lót tay để được khám chu đáo. Rồi chính anh công an lại phải quà cáp cho thầy để lo việc học cho con". Khi xã hội không minh bạch, khi các chuẩn giá trị bị đảo lộn, thì người ta đành phải tìm cách để tồn tại cho dù chính họ cũng không muốn như vậy.

Trở lại câu chuyên về chuyến đi, có một việc làm tôi rất ấn tượng là người lái xe chở đoàn, hầu như không bao giờ nghe anh lên tiếng (có lẽ do anh không biết tiếng Việt), nhưng anh phục vụ chúng tôi với một sự tận tụỵ lạ thường. Đi cùng đoàn mấy ngày liền, nhưng chưa bao giờ chúng tôi phải phàn nàn về anh. Anh cũng không đòi hỏi chúng tôi phải  quan tâm. Nhiệm vụ của anh là đưa và đón, và anh đã làm việc đó với tinh thần trách nhiệm không thể thể chê trách. Ở Việt Nam nêu không chu đáo với lái xe thi kiểu gì cũng có chuyện.

Môi trường sinh thái nơi đây cũng thật tuyệt vời. Rừng ở khắp nơi, thiên nhiên và con người có sự hoà quyện, rừng trong thành phố hay thành phố trong rừng không biết nữa. Ở đây muông thú cũng thân thiện với con người, chim sà xuống kiếm ăn ngày dưới chân ta, thú rừng thấy người không lẩn trốn. 

Toà tháp đôi là biểu tượng tự hào của đất nước. Sau khi toà tháp đôi ở Mỹ bị đánh sập, thì toà tháp đôi này đã trở thành toà tháp đôi cao nhất thế giới. Một công trình vĩ đại như vậy mà chỉ xây dựng có ba năm, nó cho ta cảm giác về sức mạnh của con người... 
còn nữa...