Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Chúa Giêsu

Có thể gọi Chúa Giêsu, người mà tới nay hàng ngày vẫn chi phối vận mệnh của trần gian là một vị thần, tuy nhiên không phải theo nghĩa Chúa Giêsu chứa đựng mọi cái thần thánh hay có thể đổng nhất với thần thánh, mà theo nghĩa người đã dạy loài người tiến được một bước lớn nhất đến với lý tưởng, đến với điều thiêng liêng.

Nhìn tổng thể, loài người là những sinh vật hèn hạ, những kẻ chỉ hơn thú vật về phương diện là thói ích kỷ và độc ác được cân nhắc kỹ hơn là ở thú vật mà thôi.

Song có những con người vĩ đại giữa những kẻ tầm thường ấy đã vươn lên sự cao cả nhằm chứng tỏ sứ mệnh cao quý của con người. Những người vĩ đại ấy, những người chỉ ra cho con người thấy họ bắt nguồn từ đâu và phải hướng tới đâu thì Chúa Giêsu là con người cao cả nhất.

Ông trung thành với những gì cao cả và đẹp đẽ có trong bản tính chúng ta. Ông không phải là vô tội; Ông đã chiến thắng những dục vọng trong mình mà chúng ta đang đấu tranh chống lại; không một thiên thần nào đã nâng đỡ Ông, ngoài lương tâm trong sạch của bản thân Ông. Giống như nhiều phẩm chất cao cả của ông đã bị lãng quên do các môn đệ của ông không hiểu được học thuyết của Ông, thì nhiều khuyết tật của ông cũng bị giấu đi. Nhưng chưa bao giờ, ở ai mà lợi ích của loài người lại chiếm ưu thế đến mức như ở Ông. Trung thành tuyệt đối với lý tưởng của mình, Ông đã biết cách bắt tất cả phục tùng nó tới mức vụ trụ không còn tồn tại đối với Ông. Ông chỉ sống với sứ mệnh thêng liêng mà Ông tin tưởng sẽ hoàn thành.

Điều này là không thể biết được, nhưng cho dù tương lai có chuẩn bị cho chúng ta những bất ngờ nào đi chăng nữa thì cũng không một ai vượt lên trên được Chúa Giêsu. Sự tôn thờ Ông sẽ sống mãi mãi; truyền thuyết về Ông sẽ mãi mãi làm rơi những giọt lệ, những đau khổ của Ông sẽ làm dằn vặt những trái tim tốt nhất; mọi người sẽ mãi mãi tuyên bố rằng trong những người con của nhân loại sẽ không bao giờ xuất hiện một con người vĩ đại hơn Chúa Ki tô.

                                     Nguồn: Ơgierest...

THƯƠNG GỬI CHỊ BA SƯƠNG




 

Thơ Đoàn Xuân Hoà:

Về một người anh hùng


Kính tặng chị Ba Sương

Hậu Giang gió nổi bời bời
Người ta một nắng, chị thời…Ba Sương.

Theo cha đi mở nông trường
Sáu mươi tóc vẫn còn vương mùi phèn
Giữa bùn lòng mở cánh sen
Thương bao phận khó mà quên phận mình.

Không gia cư, chẳng gia đình
Hai vai chị gánh mô hình cha xây
Sáng ra hút mắt hàng cây
Nắng vàng nhuộm lá treo đầy huân chương.

Đêm đêm ngồi ngẫm đoạn trường
Thương cha, chị khấn khói hương cuộn tròn
Khấn cùng trời đất Ô Môn
Ngàn năm hạt lúa vẫn còn thảo thơm.

Nghe đâu Sông Hậu sóng dồn
Ngoài hiên trát gọi, thân còm chị đi...


                                                12/2010
Tác giả Đoàn Xuân Hòa sinh ngày 1 tháng 11 năm 1954. Quê Quán: Triệu Phước, Triệu phong, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở Đô Lương – Nghệ An. Hai lần nhập ngũ: chiến trường Quảng Trị (1972) và chiến tranh biên giới phía bắc (1979). Tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện công tác tại Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Tác phẩm đã xuất bản: Lửa không cần trang phục; Phù sa lắng. Giải thưởng thơ báo Văn Nghệ các năm: 1989-1990; 1994-1995; 1999-2000. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Khoảnh khắc thời gian

Tháng năm từ giã nước non này
Từ giã hương hè ngây ngất say
Tháng năm như tuổi đời ta ấy
Nóng bỏng say mê rạo rực đầy

Tiệp khắc hè 1985

Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cảm ơn ông!



Thứ Tư, 21/09/2011 19:27
(NLĐO)- Câu nói kinh điển “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” đã làm nức lòng dư luận cả nước. 
"Giảm giá là quyết định của tập thể nhưng cá nhân tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Nếu anh Bảo nói bỏ thị trường, tôi lập ngay tổng công ty mới, không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước.
    Hoan hô ông bộ trưởng!


Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, nói tại Hội thảo ngày 20-9.
 

Có đến hàng trăm ý kiến của bạn đọc khởi đầu bằng một một cụm từ mang đầy sắc thái lạc quan như vậy.
Rất phấn khởi, bạn đọc Lê Hoàng viết: “Hơn cả tuyệt vời. Ông Vương Đình Huệ là Bộ trưởng mới, nhưng là người mang đầy đủ phẩm chất "đầy tớ của nhân dân". Cảm ơn ông nhiều lắm!”

Còn bạn đọc Công Nhân cho rằng "Những lời ngay thẳng của Bộ trưởng tôi nghĩ làm tất cả con dân nước Việt thấy ấm lòng. Đã lâu lắm rồi xem và đọc thời sự Việt Nam mới được như vậy”.

Và không chỉ ấm lòng, phát biểu của ông Huệ còn làm người dân cảm thấy một niềm lạc quan vô hạn vì ông đã “không chọn cách “gật gù”... để nhận sự ưu ái của các doanh nghiệp “lỗ” mà ông chọn con đường gai góc nhưng được kính trọng”.

Bạn Trần Khánh thì “Thật hả dạ vì có người quan tâm đến quốc gia dân tộc. Thật đau đớn khi thấy đất nước khó khăn, dân nghèo gia tăng bởi nạn thất nghiệp mà một số cá nhân chỉ muốn có lãi trên sự kinh doanh độc quyền mà mình có được. Tôi hoan nghênh Bộ trưởng, mong muốn Bộ trưởng hãy vì dân vì nước giữ vững lập trường để minh bạch hóa nền kinh tế, phát triển đất nước vượt qua khó khăn hiện nay”.

Vui vẻ, lạc quan nhất có lẽ là ý kiến của bạn Bành Đức Duy: “Sáng nay đọc báo về phát biểu của Bộ Trưởng Huệ mà vui trong lòng và đầy niềm tin! Xin hoan hô ông Bộ trưởng và hoan hô Quốc hội vì đã phê chuẩn ông vào vị trí Bộ Trưởng Bộ Tài chính. Toàn dân sẽ ủng hộ và luôn tin tưởng nhiệt huyết của ông vì ông đã đặt quyền lợi của 80 triệu dân Việt Nam lên trên quyền lợi của các doanh nghiệp độc quyền”.
Với những phát biểu thẳng thắn, có tâm, Bộ Trưởng Vương Đình Huệ làm nức lòng dư luận
Ảnh: Thế Dũng
"Doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước"

Với câu nói “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” của Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, bạn Trí Phúccho rằng đó “xứng đáng là câu nói hay nhất trong tháng”. “Người dân tụi tôi sẵn sàng mua xăng với giá cao mà minh bạch còn hơn phải nghe bài ca thua lỗ của DN rồi bắt nhà nước phải bù lỗ...tiền bù lỗ đấy cũng là tiền đóng thuế của chúng tôi đấy ạ”.

Cùng quan điểm này, bạn đọc DânĐen nhận xét: “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” là câu nói đáng hoan nghênh nhất của Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, nó thể hiện quyền uy và tính nghiêm minh của Nhà nước trước vấn đề bức xúc của xã hội và trước một vài doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường gây áp lực với cơ quan quản lý”.

Theo DânĐen, “người dân lâu nay không bức xúc giá xăng dầu 20.000 hay hơn như vậy mà bức xúc vì vấn đề không minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”. Vì vậy, bạn đọc này “hơi tiếc với Bộ trưởng với câu: “Nếu cần công bố giá thật, tôi sẽ công bố giá thật..." Tại sao lại là nếu cần mà phải là rất cần với 80 triệu con người Việt Nam. Nhưng dù sao cũng cảm ơn Bộ trưởng...”.

Đồng quan điểm về việc minh bạch trong quản lý xăng dầu, bạn Lê Nguyễn Tường Lân nhận định: “Cơ chế thị trường phải minh bạch. Người làm quản lý không vì cơ chế "phong bì" để đồng thuận với những đòi hỏi vô lý của doanh nghiệp. Ủng hộ Bộ Trưởng Vương Đình Huệ không phải vì giảm 500đ/lít xăng. Ủng hộ vì cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của ông”.

Còn bạn NVM viết: “Đêm qua tôi xem truyền hình thấy ông Vương Đình Huệ phát biểu mạnh mẽ và cụ thể quá, ông nói: "Tiền bình ổn giá không phải để trong nhà tổng giám đốc, tiền phải để trong ngân hàng và phải có lãi".

Đúng quá, tiền bình ổn giá phải do Bộ Tài Chính quản lý, thu bao nhiêu, chi bao nhiêu phải rạch ròi, minh bạch. Vì đó là tiền gởi của dân chứ không phải vốn "chùa" cho doanh nghiệp. Còn để ở doanh nghiệp thì chỉ có trời mới biết nó đi đâu về đâu. Hôm qua Bộ Trưởng Vương Đình Huệ đã nói hết sức rõ ràng”.

Bản lĩnh, thẳng thắn, trí tuệ, có tâm, có tầm... là những từ mà hàng trăm bạn đọc dành cho vị Bộ Trưởng Vương Đình Huệ. Và nhiều người tin rằng, với trí tuệ, bản lĩnh đó vị tân bộ trưởng này sẽ làm nên chuyện.

“Các doanh nghiệp đòi tăng giá nên biết rằng, Bộ Trưởng Huệ là từ dân kiểm toán mà ra. Tức có nghĩa là Bộ trưởng sẽ có cái nhìn sâu sắc đến tận cùng thấu chân tướng các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính từ bên trong ra bên ngoài” - lơ tơ mơ

Cũng với nhận định như vậy, bạn Trịnh Hà cho rằng “Với những vị trí mà trước đây Bộ Trưởng Huệ đã công tác, đặc biệt ở lĩnh vực kiểm toán, chắc chắn Bộ trưởng rất hiểu "mánh khoé" làm ăn của các ông chủ xăng dầu ở Việt Nam, cùng một lúc hưởng lợi từ nhiều khoản: Khoản bù lỗ vào xăng của người tiêu dùng, khoản tăng giá. Thật vô lý, khi nay tăng, mai tăng, chẳng biết vì lý do gì, xác đáng không? Cách thức làm việc, thái độ kiên quyết đó của Bộ Trưởng Huệ như một tinh thần chống tiêu cực thực sự”.

Theo bạn đọc TVD “Muốn phát triển nhanh, mạnh, bền vững và dân giàu nước mạnh Việt Nam đang rất cần những bộ trưởng như ông Huệ. Nghe các ông Bộ Công thương ý kiến mà chúng tôi cứ nghĩ đó là người của Hiệp hội doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước nữa. Bộ này quản lý đa lĩnh vực mà hình như chỉ làm vai trò đại diện cho một vài doanh nghiệp, mà quên đi quyền lợi của hơn 80 triệu dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác...”
Công khai, minh bạch trong cơ chế quản lý giá xăng dầu là điều mà người dân mong muốn nhất

Như một luồng gió mới
Nền tảng của một đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững và ổn định chính là lòng dân. Và chỉ một vài phát biểu thẳng thắn của Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã thật sự làm nền tảng đó thêm vững chắc. 

Hạnh phúc là cảm giác của bạn đọc đậu phộng: “Vào đầu nhiệm kỳ 2011-2016 này, tôi rất hạnh phúc khi hai vị đứng đầu ngành kinh tế của đất nước có những việc làm vì quyền lợi của quốc gia và vì người dân. Đó là đồng chí Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và đồng chí tân Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ”.

Cũng như vậy, bạn đọc Lương Duy Lân cho biết: “Tôi bắt đầu có niềm tin vào chính phủ mới với những nhân vật cứng rắn và vì dân như ông Huệ, thống đốc Bình. Bộ Trưởng Huệ đã đưa thông tin phân tích hết sức hợp lý và vì lợi ích chung”.

Còn theo bạn NDV thì ông như “một luồng gió mới trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Người dân đang cần có những người có tài có đức như Bộ Trưởng Vương Đình Huệ”.
Và với luồng gió mới đó, bạn đọc Ngọc Anh tỏ ra rất lạc quan“đất nước Việt Nam chắc chắn sẽ tiến bộ xa hơn nhiều nữa vì những vị lãnh đạo có được tâm huyết như thế này”.

Bên cạnh những lời hoan hô, khen ngợi và tin tưởng Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, nhiều bạn đọc cũng nhắn gởi đến ông những lời tâm huyết.

Bạn đọc namphuongvt cho rằng: “Tinh thần của tân Bộ Trưởng Bộ Tài chính là rất đáng trân trọng, nhưng nếu đã nói thì phải cương quyết làm rõ vấn đề và công khai cho dân chúng biết. Thủ tướng Chính phủ cũng cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo để hài hòa lợi ích các bên, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp than lỗ triền miên nhưng không thấy phá sản. Đừng để độc quyền thì muốn nói gì thì nói!”
Có cái nhìn khá thực tế, bạn TN nhận định: “Dân chúng cần lắm những vị lãnh đạo như Bộ trưởng. Tuy nhiên, con đường của Bộ trưởng sau này chắc chắn sẽ rất cam go vì không “ăn rơ". Hy vọng Bộ trưởng giữ vững được phong độ suốt nhiệm kỳ. Kính chúc sức khỏe Bộ trưởng”.

Cùng quan điểm này, bạn Long Tran tỏ ra lo lắng cho vị tân bộ trưởng vì “ông sắp phải đối đầu với rất nhiều nhóm lợi ích mà báo chí đã đề cập đến thời gian vừa qua”.
Nhưng kèm theo đó là lời nhắn gởi chân tình “Chúc Bộ Trưởng sức khỏe và bản lĩnh đối đầu với các tiêu cực để nâng tầm vị thế nước Việt ta. Nhân dân luôn bên cạnh Bộ Trưởng!”.
Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
 
Sinh ngày: 15/03/1957
Quê quán: Nghệ An
Học hàm, học vị: Giáo sư - Tiến sỹ
Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI
Đại biểu Quốc hội Khoá XIII
9/1979-1985: Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường.
1985-1986: Học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
1986-1990: Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Đơn vị trưởng lưu học sinh; Trưởng Thành hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislara.
1991-1992: Giảng viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
10/1992-5/1993: Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
6/1993-2/1999: Quyền Trưởng khoa, rồi Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
3/1999-6/2001: Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
7/2001-7/2006: Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương.
7/2006 đến nay: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thiên Kim (Tổng hợp)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Câu chuyện Larry King kể về Danny

Danny là một ca sỹ rất được quần chúng hâm mộ và yêu mến. Một lần Danny đến tham dự chương trình của Larry King phát qua làn sóng radio. Có một người phụ nữ từ Toledo gọi điện đến và nói rằng "Trong đời tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có dịp được nói chuyện với anh.Tôi không có câu hỏi nào dành cho anh cả. Tôi chỉ muốn nói cho anh biết điều này. Con trai tôi đã rất mến mộ anh. Nó muốn trở thành một người gống như anh. Nó bắt chước anh từ lời ăn tiếng nói đến sở thích... "

"Con trai tôi là lính hải quân đã hy sinh ngoài chiến trận khi mới 19 tuổi. Người ta trao cho tôi tấm ảnh duy nhất tìm thấy trong người nó. Đó là tấm ảnh của anh. Tấm ảnh mà nó luôn giữ gìn cẩn thân bên người. Tôi đã đóng khung tấm hình này với tấm hình nó. Suốt ba mươi năm nay tôi đã lau chùi 2 tấm hình. Tôi nghĩ nên kể anh nghe câu chuyện này"

Danny đã khóc ngay trong phòng thu thanh. Đầu dây bên kia người phụ nữ dường như cũng khóc. Rồi Danny hỏi " Thưa chị, con trai của chị thích bài hát nào?".- Người mẹ trả lời: "Ca khuc Dena".

Danny đã hát một trong những ca khuc nổi tiếng nhất của anh cho người mẹ ấy nghe. Một bài hát không đi kèm giàn nhạc. Chỉ có giọng hát người ca sỹ thổn thức qua làn nước mắt.

Trong suốt đời làm phát thanh viên của mình, đó là giây phút mà tôi ghi nhớ nhất. Giây phút của tình người (Lary King nói)! Danny đã tạo ra khoảnh khắc thiêng liêng ấy không phải từ sự cởi mở, hay tư những lời nói hay ho mà từ một tấm lòng biết chia sẻ và đồng cảm. Và anh không giấu tình cảm thật của mình.

Lòng người là giấy chứ không phải là vàng đá


Lê Mai Thao
Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ  bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Tôi muốn được kể một câu chuyện:
Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.
Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.
Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.
Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.
Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.
Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.
Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái “phụ giúp” vợ mình.
Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của hai vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.
Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người…
Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”.
Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?
Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…
Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.
Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.
Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư?
Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG ( Huy Cận )



Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân ?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu ?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau ?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

XÂY DƯNG HÌNH ẢNH BẢN THÂN

Bạn có bao giờ để ý rằng có một số người được thăng chức và nhận lương cao hơn đồng nghệp của họ mặ dù rõ ràng họ không giỏi giang và có năng lực hơn những người kia? Tại sao một số người có vẻ phải làm việc vất vả hơn, với thời gian dài hơn lại không được thăng chức và không được nhận những bổng lộc kèm theo Thực tế là để thành công điều quan trọng không chỉ là bạn giỏi trong công việc của mình, mà cái chính là người khác phải biết bạn giỏi. Con người là sinh vật biết nhận thức. Điều khiến họ suy nghĩ và hành động không phải là những gì họ nhìn thấy, mà là những gì họ nghĩ là họ nhìn thấy.

Thật may mắn là bạn có thể làm rất nhiều điều để người khác biết đến bạn và nhờ đó tiến nhanh hơn trong nghề nghiệp của mình.

Hãy bắt đầu từ việc phát triển năng lực. Bạn phải được đánh giá là có năng lực trong công việc mình làm, vì tương lai của bạn phụ thuộc vào điều đó.

Giỏi trong công việc là điều cần thiết nhưng chưa đủ, còn có những yếu tố khác tác động đến cách nghĩ của mọi người về bạn. Và một trong những yếu tố quan trọng nhất là hình ảnh bề ngoài của bạn. Cách bạn xuất hiện trước mọi người có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Trong cuộc sống có rất nhiều lĩnh vực mà bạn không thể kiểm soát hay lựa chọn, nhưng cách ăn mặc và hình thức lại là vấn đề bạn có thể hoàn toàn điều khiển được. Thông qua trang phục, cách trang điểm bề ngoài, bạn đang thể hiện về con người hay nhân cách của bạn.

Một cách nữa để được chú ý là tham gia vào một hay hai hiệp hội liên quan đến lĩnh vực của bạn. Ở đó bạn có cơ hội thể hiện mình trước những nhân vật quan trọng mà không sợ những con mắt xoi mói. Bạn có thể cho họ thấy khả năng và nhân cách của bạn.

Ngoài ra bạn có thể làm nhiều điều khác để được biết đến. Thứ nhất là biết ưu tiên việc gì trước, khả năng phân biệt việc quan trọng và không quan trọng. Thứ hai là tốc độ làm việc.  Nhà quản lý thường đánh giá cao những người biết sắp xếp công việc và hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Khả năng hoàn thành công việc chính là một trong những phẩm chất được đánh giá cao nhất. Khi cấp trên giao việc cho bạn mà không phải lo lắng về nó, nghĩa là bạn đã đưa mình tới tới con đường sẽ đảm bảo chắc chắn cho việc thăng chức và tăng lương của bạn.

Cách tiếp theo để được biết đến nhiều hơn là học tập nâng cao các kỹ năng bổ trợ cho công việc. Các ông chủ thường rất ấn tượng với những người luôn cố gắng học tập để phục vụ công ty.

Cuối cùng là suy nghĩ tích cực. Mọi ngươi đều muốn ở bên cạnh và nói tốt về người mà họ thích. Một tinh thần vui vẻ sẽ nhanh chóng được mọi người chú ý. Khi bạn cố găng duy trì thái độ thân thiện với mọi người, họ cũng sẽ cố gắng để tạo cơ hội cho bạn.

Tóm lại, cố gắng trở thành một người có nhân cách là cách tốt nhất giúp bạn được mọi người biết đến và là cách gián tiếp để mở rộng các cơ hội thăng tiến cho bạn. Bạn sẽ làm được điều đó nêu thật sự mong muốn.

Tại sao những người tốt lại là những ... "thằng gàn"?


Tác giả: ĐỨC TOÀN

Tại sao người ta sẵn sàng giết chết đồng loại của mình chỉ vì những điều hết sức nhỏ nhặt? Vì đạo đức xã hội xuống cấp, vì các giá trị chân chính đang bị đảo lộn.

Những ngày trước đây, dư luận bàng hoàng trước tin báo chí đồng loạt đăng tải: 1 bác sỹ ở Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình bị em trai 1 bệnh nhân đâm chết sau khi cấp cứu không thành công bệnh nhân này.
Phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn
Việc vi phạm pháp luật, đạo lý của kẻ phạm tội không có gì phải bàn cãi. Rồi đây anh ta sẽ phải đền tội trước pháp luật cho những gì mình đã gây ra, nhưng từ sự việc trên tôi xin đề cập đến một lĩnh vực hoàn toàn khác, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Tại sao gần đây có những nghề, những quan hệ truyền thống gia đình vốn được coi là cao quý, bền chặt của xã hội lại xảy ra nhiều sự việc không hay như thế? Nào là học sinh đánh thầy cô giáo, lái xe vi phạm tông cảnh sát giao thông, rồi người nhà bệnh nhân đâm chết bác sỹ, cha đẻ hiếp dâm con gái, vợ thiêu chồng, chồng giết vợ, giết con... Vô vàn những điều nhức nhối mà ta có thể thấy trên báo chí hàng ngày.
Vì mất 1 con chó người ta sẵn sàng đập chết, đốt xác không thương tiếc kẻ ăn trộm. Vì 1 vụ va chạm giao thông, 1 cái nhìn vô tình hoặc bâng quơ cũng có thể dẫn tới án mạng. Có thể nói chưa bao giờ những người tử tế lại cảm thấy cuộc sống bất an đến vậy.
Tôi luôn băn khoăn và tự hỏi: Tại sao lại thế? Và tự đi tìm câu trả lời cho mình:
Thứ nhất, trong quá trình phát triển kinh tế đã có sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn.
Trong khi đa số dân chúng còn trong cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai, ốm đau vào viện không có tiền chữa bệnh, không hiếm người nhìn thấy chết mà bất lực, không có tiền để đóng học phí cho con... nhưng nhìn ra xã hội xung quanh, thấy đầy rẫy những cảnh xa xỉ và bất công.
Tháng trước mảnh ruộng của người nông dân được trả đền bù có 500 ngàn/m2, tháng sau khi có quyết định phê duyệt dự án (tất nhiên phải chạy chọt, lobby) người ta đã bán mấy chục triệu đồng/m2. Rồi từ những đồng tiền kiếm được đại loại thế, người ta vung vinh đi ăn phở triệu đồng/ bát, đi xe ô tô tiền tỷ, bỏ hàng chục tỷ vào những thú chơi xa xỉ và coi đó như điều tất nhiên mà mình được hưởng thụ từ thành quả lao động?

Đám tang bác sĩ Phạm Đức Giàu, ở Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình bị em trai 1 bệnh nhân đâm chết
Hay mấy ca sĩ giỏi tạo scandal khoe cơ thể, lộ phim sex, mặc váy ngắn nhảy nhót, được truyền thông hùa theo nhiệt liệt tung hô, trở thành "thần tượng" của những teengirl, teenboy có thể nhận cát sê 1 đêm diễn bằng lương 1 năm của người công nhân trong khu công nghiệp...
1 cầu thủ bóng đá khi thành danh có thể nhận tiền lót tay hàng tỷ đồng khi chuyển nhượng. Lương mỗi tháng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, còn lương của những người đã đạo tạo nên họ thì sao?
Đành rằng những so sánh đó đều là khập khiễng, nhưng nếu đặt ta vào vị trí của những con người lao động nông thôn, những công nhân trong các khu công nghiệp với cuộc sống bần hàn ráo mồ hôi là hết tiền, chiếm phần đông trong xã hội kia, thử hỏi ta sẽ nhìn cuộc đời xung quanh với con mắt thế nào?
Chắc chắn không phải là một màu hồng xán lạn và sẽ phải đặt câu hỏi: Vì sao cũng là kiếp người mà "chúng nó" lại sướng hơn mình nhiều thế?
Thứ hai, tiêu cực len lỏi vào mọi ngóc ngách của của sống.
Vẫn còn có những nhà giáo mô phạm, đáng kính, nhưng những tiêu cực từ chạy lớp, chạy trường, biếu xén cô giáo, dạy thêm, học thêm vô tội vạ đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, làm phụ huynh và học sinh nhìn thầy cô giáo với con mắt khác mà sự tôn kính đã suy giảm phần nhiều.
Vẫn còn có những bác sỹ tốt tận tâm với nghề, nhưng thử hỏi có ai trong chúng ta khi vào viện hoặc có người nhà ốm đau mà không phải dấm dúi phong bì, phong bao cho bác sỹ để được khám sớm, khám kỹ, để được mổ sớm, để tiêm không đau...
Có ai không biết việc lái xe khách, xe tải phải nộp mãi lộ mọi trạm CSGT trên các tuyến đường mà họ đi qua? Có ai không biết việc những nông dân thấp cổ bé họng thường hay bị chèn ép ở các vùng thôn quê?
Sự lung lay những giá trị
Tất cả những việc trên chúng ta đều biết, thậm chí biết rõ đến mức "thấm nhuần" và chính chúng ta lại coi đó như một tất yếu của cuộc sống. Điều đó thực sự đáng lo ngại bởi các giá trị chân chính bị đang lung lay.
Tại sao người ta lại gọi những hiệp sỹ đường phố là những thằng gàn? Đó là khi cái ác đang lấn át cái thiện, cái xấu xa đang chèn ép những giá trị truyền thống tốt đẹp. Khi mà hàng ngàn điểm 0 (không) lịch sử của các sĩ tử thi đại học được 1 người có trách nhiệm hàng đầu coi là điều bình thường?
Những con người dễ bị tổn thương nhất của xã hội không có cách để bảo vệ mình, chỉ còn biết xù mình lên như một con nhím, con ong trước cuộc sống. Tại sao người ta sẵn sàng đâm vào cảnh sát giao thông để trốn chạy? Vì cảnh mãi lộ diễn ra hàng ngày khiến người ta luôn nảy sinh ý định chống đối và căm ghét ở trong đầu.
Tại sao học trò, phụ huynh lại có thể đánh thầy cô giáo, có thể chỉ vì người ta không coi đó là thầy mà dạy học cũng chỉ là một nghề để kiếm sống để mưu sinh như bao nghề khác mà thôi.
Tại sao người ta lại gọi những hiệp sỹ đường phố là những thằng gàn? Đó là khi cái ác đang lấn át cái thiện, cái xấu xa đang chèn ép những giá trị truyền thống tốt đẹp. Khi mà hàng ngàn điểm 0 (không) lịch sử của các sĩ tử thi đại học được 1 người có trách nhiệm hàng đầu coi là điều bình thường?
Tại sao người ta sẵn sàng giết chết đồng loại của mình chỉ vì những điều hết sức nhỏ nhặt? Vì đạo đức xã hội xuống cấp, vì các giá trị chân chính đang bị đảo lộn.
Khi những vụ án đau lòng xảy ra, các nhà nghiên cứu tha hồ đưa ra những phán xét và quy chụp, đại loại như do những trò games bạo lực, do đạo đức, do gia đình, do lòng tham, do sự ích kỷ cá nhân...
Tất cả những nguyên nhân đó đều đúng nhưng riêng tôi, tôi lại cho rằng có 1 nguyên nhân sâu xa hơn đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Đất nước ta đã và sẽ tiếp tục phát triển nhưng chúng ta cũng đã và sẽ phải trả giá thêm nhiều cho sự phát triển đó. Hy vọng, những người lãnh đạo có "tầm" có "tâm" với đất nước sẽ chèo lái theo một con đường hợp lý để trên con tàu Việt Nam đang tiến về phía trước, để mọi người đều có quyền hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn.