Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

THÙ BẠN NGAY NAY

Trong bất cứ cuộc chiến nào, việc đánh giá đối phương là điều cực kỳ quan trọng; Tôn Tử đã đúc kết trong binh pháp: “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tuy nhiên nhận diện đúng vấn đề không bao giờ dễ, bởi vì: “những người cười với anh chưa chắc đã là bạn; những người làm anh bực mình chưa chắc đã là kẻ thù”. Còn những kẻ a dua thì không đáng tin, vì nhìn qua tưởng như họ trung thành với anh, nhưng thực tình họ chỉ nghĩ đến sự an nguy của chính họ mà thôi.
Người Trung Quốc nói: “Không có kẻ thù nào vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn, còn Thù – Bạn thì có thể đổi thay”. Trong quan hệ bang giao phải luôn đặt câu hỏi: Họ đến, họ đi thực ra là vì mục đích gì? Trước hết, các nhà tư bản (doanh nghiệp) thì mục tiêu của họ là kinh tế, không lợi (kinh tế) là họ bỏ. Nhưng để bành trướng lãnh thổ thì khác, họ có thể thiệt về kinh tế, miễn là đạt được mục đích cuối cùng.
Về ý thức hệ, sâu xa Trung Quốc có thực sự coi trọng không? Trung Quốc từng tuyên bố “ xây dựng XHCN đặc sắc TQ” nhưng họ sẵn sàng chấp nhận một Hồng Công theo con đường tư bản, họ nói “một nhà nước, 2 chế độ”, họ không chấp nhận Đài Loan độc lập, nhưng với họ, vấn đề không phải do Đài Loan theo tư bản mà vì Đài muốn tách ra (độc lập) khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng mặt khác họ hiểu người Đài Loan là người Trung quốc, sớm muộn gì cũng là một phần không thể tách rời trong lãnh thổ Trung Quốc. Ngay cả việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình với Trung Quốc chỉ là tạm giữ cho họ mà thôi.
Thế giới ngày nay không phải là thời của đấu tranh giai cấp, mà là thời của hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi, mà như ngày nay giới trẻ thường hay nói Win – Win. Trên nguyên tắc đó Trung Quốc đã khéo léo điều chỉnh các mối quan hệ và trở nên hùng cường như ta thấy. Nhưng với Trung Quốc giàu mạnh chưa đủ, mà họ còn phải là một cực lãnh đạo thế giới, cạnh tranh với Mỹ. Thế giới ngày trước chia làm 2 phe, phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Từ ngày Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành duy nhất; ngày nay Trung Quốc đang muốn chia phần, cho nên người ta nói Trung Quốc không trỗi dậy trong hòa bình là có ý đó. Một chiến lược bao vây kiềm chế Trung Quốc dường như đang được triển khai, nhưng không ai dám làm quá mạnh vì tất cả đều trong mối quan hệ đan xen, anh gây thiệt hại cho tôi thì cùng với đó bản thân anh cũng sẽ bị thiệt hại.
Về phía Trung Quốc, muốn trở thành một cực lãnh đạo thì giàu có chưa đủ mà anh còn phải có đồng minh. Thời gian gần đây nhờ tiềm lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc bắt đầu mở rộng đầu tư, một mặt thông qua đó để tiếp tục làm giàu, mặt khác tạo ảnh hưởng của mình lên những quốc gia khác, đưa họ vào con đường lệ thuộc, xây dựng một liên minh không bình đẳng. Cách chơi đó của Trung Quốc chắc chắn không bền, ngày nay nhiều nước đã bắt đầu cảnh giác.  Khi Mỹ dưới thời tổng thống Obama triển khai hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP (rất rõ ý đồ kìm Trung Quốc), Trung Quốc cũng triển khai sáng kiến “một vành đai, một con đường” để đối trọng. Thế nhưng với phương châm “nước Mỹ trên hết” hiệp định TPP dưới thời Trump đã bị bỏ dở vì Mỹ sợ bị thua thiệt.
Để lãnh đạo thế giới theo cách trước đây quả là rất tốn kém, Mỹ đã phải ném tiền ở khắp nơi, phải chăng vì thế mà nước Mỹ dưới thơi Trump đang “nghĩ lại”; với mục tiêu mới “nước Mỹ trên hết”, Mỹ bắt đầu áp thuế cao lên nhiều mặt hàng truyền thống của đối tác nên đang bị đồng minh phản ứng mạnh. Thay cho TPP cách làm của Trump có phần thô thiển hơn, đó là đánh thuế mạnh tay với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa 2 nước đến bờ vực của một cuộc chiến thương mại, còn quá sớm để nói rằng ai sẽ thắng, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thua thiệt nhiều hơn.
Để tạo ảnh hưởng của mình một cách vững chắc và đẹp đẽ, những nước văn minh đang tìm cách “xuất khẩu văn hóa”; một khi nền văn hóa của ai đó đã thấm sâu trong hồn cốt của anh, thì đương nhiên vấn đề chi phối anh là không quá khó; việc này cả Mỹ và Trung Quốc đều đang làm, nhưng kết quả phải đợi quá lâu; hơn nữa muốn hiệu quả thì bản thân anh cũng phải là thần tượng, nghĩa là anh phải có nên văn hóa phát triển cao, thể hiện sự vượt trội làm người ta thấy ngưỡng mộ. Thế nên để “ăn liền” thì không tránh khỏi việc dùng thủ đoạn kèm theo.
Để ép nước khác lệ thuộc vào mình, "cái mà người Trung Quốc thường hay làm là đầu tư quy mô lớn vào các quốc gia vốn không có khả năng để trả nợ," chuyên gia an ninh, Tiến sĩ Malcom Davis phân tích. "Nếu Trung Quốc có thể khiến một quốc gia rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng đến mức nó không thể trả hết số nợ, thì Trung Quốc sẽ lấy cái gì khác đổi lại như ….một bến cảng chẳng hạn." Đã có nhiều sự so sánh với những gì đang diễn ra ở Vanuatu và ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Pakistan và Sri Lanka. Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm khu cầu cảng nằm ở vị trí vô cùng chiến lược Hambantota, để được Trung Quốc giảm bớt nợ.
Độc lập dân tộc gắn với CNXH là nhất định không để bị lệ thuộc vào bất kỳ ai. "Nếu chúng ta không cảnh giác ngay bây giờ, thì chúng ta có thể bị ép buộc vào một tình huống mà chúng ta sẽ phải đối mặt với một xung đột quyền lực lớn hơn.". "Chúng ta cần phải xem xét khả năng đó một cách nghiêm túc".

Song song với đó, việc phải làm ngay là cải cách thể chế, chân hưng dân tộc, để xây dựng đất nước hùng cường, một cơ thể khỏe mạnh có sức đề kháng tốt thì bệnh tật sẽ lui. Ngày nay không phải là “giặc ở sau lưng nữa” mà chính xác: “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”! 

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

TÂY DU KÝ, XEM VÀ CẢM NHẬN

Người nổi bật nhất Tây Du Ký là Tôn Ngộ Không, với 72 phép thần thông biến hóa, Ngộ Không có đầy đủ tài năng, trí tuệ, gan dạ, ngang tàng... nhưng người thực sự được giao trọng trách lại là Tam Tạng. Nếu nhìn qua thì có lẽ từ đầu chí cuối Tam Tạng không có gì hay. Có vẻ bất tài, yếu đuối, thường xuyên bị mắc lừa, làm cho người xem đôi lúc phải bực mình. Nhưng chân Kinh thì nhất định phải trao cho Tam Tạng, vi sao vậy?
Vì đó là bề ngoài thôi chứ thực ra ông là người cực kỳ bản lĩnh: Đối với ông đi lấy chân kinh là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả nhất và ông đã đặt trọn niềm tin vào đó đến quên cả bản thân mình. Không có bất cứ ham muốn trần tục nào cám dỗ được ông, dù đó là quyền cao chức trọng, dù đó là châu báu bạc vàng, dù đó là mỹ nhân gái đẹp ... chừng đó thôi thì ông đã thực sự là thánh nhân rồi, lũ người phàm tục như chúng ta thì chỉ có thể tôn sùng chứ làm sao học được.
Ông là một anh hùng: Không ai trong đoàn lại sợ yêu quái như ông, mới nghe nói yêu quái ông đã sợ hãi cuống cuồng, nhưng chưa bao giờ vì thế mà ông lùi bước, thậm chí là mảy may dao động. Người anh hùng nhất không phải là người không biết sợ là gì, mà là người vẫn tiến lên mặc cho nỗi sợ hãi bủa vây, cho nên chính ông mới thực sự là một anh hùng.
Ông có lòng từ bi quá lớn: Ông không bao giờ làm hại người vì thế mà ông bị yêu quái lừa hết lần này đến lần khác; nhưng với ông, thà mình bị lừa, thà mình bị chết chứ nhất định không giết người vô tội; ngay cả khi diệt được yêu quái rồi ông cũng coi đó là nhiệm vụ phải làm chứ không coi đó là sự hả hê. Những người thực sự từ bi trên thế gian này rất it, nhưng ở đâu có những người như vậy thì ở đó hạnh phúc con người sẽ đơm hoa kết trái.
Ông là thủ lĩnh tài ba: dù ông không có bằng harvard nhưng ông là người quản lý nhân sự giỏi. Đồ đệ của ông, mỗi người mỗi tính cách nên ông biết cần sử dụng và đối xử mỗi người một khác. Sa Tăng thì chịu khó, nhẫn nhục, không làm được việc khó nhưng không hay phàn nàn và ít có sai sót nên cho gánh hành lý, một công việc cũng quan trọng nhưng rất nhàm chán. Bát giới tham lam nhưng láu cá là chân sai vặt và hỗ trợ Ngộ Không khi cần. Ngộ không tài giỏi là người đứng mũi chịu sào, nhưng ngang ngạnh nên đôi khi  phải chế tài bằng biện pháp mạnh.
Người thành công là người biết sử dụng những người tài giỏi hơn mình, chừng đó đủ biết cổ nhân thật là sâu sắc.

CÓ THẬT SỰ CẦN THIẾT

Mấy hôm nay gia đình bé Nhật Linh (cháu bé bị sát hại ở Nhật) đang vân động 50.000 chữ ký để xử tên tội phạm với mức án cao nhất. Đứng về góc độ gia đình nạn nhân ta có thể hiểu được nỗi đau của họ và mong muốn công lý sớm được thực thi, cái ác phải trả giá.
Nhưng vận động 50.000 chữ ký mong kẻ ác bị tử hình để trả thù cho bé Nhật Linh liêu có cần thiết không khi mà kẻ ác đáng sắp phải ra tòa đối diện với pháp luật ở một đất nước vốn nổi tiếng nghiêm minh như nước Nhật? Tội ác đến mức nào thì sẽ có hình phát tương xứng, tôi tin các quan tòa của Nhật sẽ công tâm. Đành rằng chúng ta đồng cảm và hiểu được nỗi đau của gia đình, nhưng trước mắt chúng ta còn có pháp luật; chúng ta chỉ nên đòi công lý một khi pháp luật có sự bao che thôi, còn khao khát trả thù quá mức thì không nên. Rôi thế giới sẽ nghĩ như thế nào về người Việt Nam, một dân tộc vốn được coi là giàu long nhân ái, vị tha. Hôm nay ta mất con và ta đòi bằng được ngày mai người khác phải mất chồng, mất cha ... dù đó là người cha độc ác, nhưng ai dám chắc rằng vì thế mà họ không đau? (xin lỗi vì tôi không rõ ông ta có gia đình không)?

Nhân đây, tôi lại nhớ câu chuyên một bà mẹ nước ngoài có con bị cá sấu ăn thịt; nén nỗi đau, bà đã xin không giết con cá sấu đó; vì suy cho cùng nó cũng chỉ là loài vật không có nhận thức mà thôi; tất nhiên so sánh thế này thì cũng hơi khập khiễng; ở đây cái tôi muốn nói là lòng vị tha thôi.

BÓNG ĐÁ, VẬN NƯỚC VÀ ANH HÙNG DÂN TỘC

ĐT Việt Nam đã làm nên kỳ tích của bóng đá Việt Nam tại AFC U23 châu Á. Đó là một thực tế Và chúng ta đã đón đội tuyển về nước như đón những anh hùng, như tuần VNN viết “Ngay cả những cựu chiến binh đã ở tuổi thất thập cũng bảo rằng, chưa bao giờ có một ngày hội nào có thể sánh với lễ đón ĐT U23 Việt Nam về nước”. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và đồng cảm với tình yêu cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Các cầu thủ được nước đón, tỉnh đón, làng đón ... còn hơn đón những quân đoàn về giải phóng thủ đô.
Nhưng sau phút thăng hoa của men say chiến thắng, nghĩ lại vẫn thấy một chút buồn; rằng đôi lúc ta vẫn chưa đủ lớn để điềm tĩnh trước các sự kiện dù nó lớn đến đâu chăng nữa ...; rằng ta đôi khi cũng bồng bột dại khờ như là một đứa trẻ thôi ... Trong men say chiên thắng thậm chí có người còn liên tưởng đến vận nước, coi các cầu thủ là anh hùng dân tộc thì quả thật là một sự lộng ngôn chưa từng có. Không hiểu tại sao hôm nay lớp trẻ của chúng ta lại thích nép minh trong anh hào quang của người khác nhiều đến vậy. Chưa lâu, trong một số bạn trẻ có người hôn giày tỷ phú nước ngoài như là vinh hạnh, có người đòi giết mẹ vì không cho đi xem thần tượng... Ôi, sự cuồng si mới điên rồ và lệch lạc làm sao!

Bóng đá dù có hay đến thế nào chăng nữa thì cũng như tất cả các bộ môn thể thao, chỉ là trò chơi có ích cho sức khỏe. Và niềm đam mê bóng đá dù có lớn đến mức nào đi chăng nữa cũng không  thể làm cho vận nước đổi thay. Các cầu thủ dù có xuất sắc cỡ nào cũng không thể là anh hùng dân tộc được. Anh hùng dân tộc chỉ có Lý Thượng Kiệt; Trần Hưng Đạo; Lê Lợi; Hồ Chí Minh thôi. Họ mới là những người làm nên lịch sử, họ mời là những người có thể làm thay đổi vận mệnh của quốc gia, dân tộc được thôi.

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

DỰ ĐOÁN THEO KINH DỊCH LÀ MỘT KHOA HỌC?


1. Kinh Dịch là gì?
Kinh Dịch là một trước tác vĩ đại kết hợp triết học cổ đại, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, xưa nay được tôn xưng là bách khoa toàn thư văn hóa Á Đông.
2. Hạt nhân của Kinh Dịch là gì?
Hạt nhân của Kinh Dịch là thuyết “Tam dịch” nổi tiếng, tức là: Giản dịch, biến dịch và bất dịch.
Giản dịch: là chỉ rằng, sự vật trên thế giới có phức tạp, huyền bí thế nào đi nữa, một khi trí tuệ nhân loại đạt đến được, thì có thể chuyển đổi chúng thành vấn đề mà mọi người dễ lý giải và có khả năng xử lý được.
Biến dịch: là chỉ rằng, vạn sự vạn vật trên thế giới mỗi giờ mỗi khắc đều đang biến hóa, phát triển, không có vật gì là bất biến. Nếu rời xa sự biến hóa này, vũ trụ vạn vật khó mà hình thành được.
Bất dịch: là chỉ rằng, dưới tiền đề vạn vật trong vũ trụ đều biến đổi, vẫn còn có thứ duy nhất bất biến tồn tại, chính là cái có thể biến ra vạn vật là bất biến. Tức là nói quy luật vạn vật đều biến đổi là vĩnh viễn bất biến.
3. Phương thức biểu đạt của Kinh Dịch là gì?
Phương thức biểu đạt của Kinh Dịch là bát quái, phát triển thành 64 quẻ.
4. Kinh Dịch tại sao lại chia ra Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái?
Tiên thiên bát quái cũng gọi là Phục Hy bát quái, là lấy chữ số xếp thứ tự vận hành là Càn nhất, đoài nhị, ly tam, chấn tứ, tốn ngũ, khảm lục, cấn thất, khôn bát, đây chính là tiên thiên bát quái số.
Hậu thiên bát quái tương truyền do Chu Văn Vương chế tác, còn gọi là Văn Vương bát quái. Thứ tự sắp xếp của nó là: Khảm nhất, khôn nhị, chấn tam, tốn tứ, trung (ở giữa) ngũ, càn lục, đoài thất, cấn bát, ly cửu
5. Kinh Dịch có tác dụng gì?
Kinh Dịch là bảo điển giải khai mật mã vũ trụ, hạnh phúc nhân sinh. Nó trao cho nhân loại 3 chiếc chìa khóa vàng.
Chìa khóa vàng thứ 1 là “âm dương”, bất kỳ sự việc nào trên thế giới, cân bằng âm dương đạt được hài hòa, hài hòa thì có thể phát triển, tiến bộ.
Chìa khóa vàng thứ 2 là “ngũ hành”, vạn sự vạn vật đều không rời xa cái bóng của ngũ hành, mệnh lý học và vị lý học của phong thủy đều từ nó mà sinh ra.
Chìa khóa vàng thứ 3 là “bát quái”, bát quái phát triển thành “Văn Vương 64 quẻ”. Nó cho chúng ta biết 64 mật mã của vũ trụ, đại thiên thế giới cũng không ngoài mật mã này.
6. Tại sao dùng Kinh Dịch dự đoán vô cùng chính xác?
Bởi vì dự đoán Kinh Dịch là khoa học, chứa đầy đại trí tuệ của nhân loại mà đến nay vẫn chưa khám phá hết. Thuật số Kinh Dịch là chi phái nội dung trọng yếu của ngũ thuật của Đạo giáo cổ đại. Thuật, là chỉ phương thức, phương pháp. Số, là chỉ lý số, khí số.
7: Phép biện chứng của Kinh Dịch là gì?
“Dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (Dịch, đến cùng cực tất sẽ biến đổi, biến đổi tất sẽ thông suốt, thông suốt tất sẽ lâu dài), đây là trong “Hệ từ” nói, cũng là một phép tắc biện chứng quan trong Kinh Dịch: “Thông biến trí cửu” (Thay đổi thông suốt cho đến lâu dài).

Sưu tầm và giản lược

MỘT CÂU NÓI THẬT LÀ CHÍ LÝ



Đến nay thì ai cũng biết xe điện là loại xe không xả ra khí thải nên không gây ô nhiễm môi trường, vì thế xe điện được coi là tương lai của việc đi lại (bằng xe) của con người. Tuy xe điện không gây ô nhiễm, nhưng việc sản xuất ra điện lại cực kỳ ô nhiễm. Khi xe điện nhiều, việc sử dụng điện tăng, sản xuất điện tăng. Như vậy, vô tình ta đã chuyển từ việc xe gây ô nhiễm sang điện gây ô nhiễm. Một chuyên gia đã nói: Nếu ta không sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo thì việc sản xuất ra xe điện chỉ có thể hoán đổi ô nhiễm từ thành phố ra ngoại ô thôi, còn tổng ô nhiễm không thay đổi. Ngay từ bây giờ, cần tập trung xây dựng các nhà máy điện sử dụng sức gió, năng lượng mặt trời; hạn chế và tiến tới dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện và thủy điện.

HÃY HỌC CÁCH TÔN TRONG NGƯỜI KHÁC


          “Cung kính với người là sự nghiêm cẩn của chính mình” (66 câu phật học). Tôn trọng người khác là biểu hiện của văn hóa ứng xử, song đôi khi ta rất vô tư mà không chú ý rằng có những hành vi (của ta) khiến người khác chạnh lòng, thậm chí những việc ta làm là thiếu tôn trọng người khác mà ta không để ý; tiếc là những hành vi đó rất nhiều và diễn ra thường nhật, xin liệt kê vài ví dụ.
          1. Không đến đúng giờ trong cuộc hẹn: Đôi khi ta thấy đây là việc bình thường, nhưng thực ra có phần ta đã tỏ ra không coi trọng đối tác. Người Do Thái là dân tộc hết sức đúng giờ. Chuyện kể rằng: Có lần một người Do Thái hẹn làm việc, nhưng đối tác đến chậm 5 phút. Người Do Thái nói: Hôm nay tôi dành cho anh 30 phút, nhưng anh đến chậm 5 phút, vậy chúng ta còn 25 phút nữa, đề nghị anh vào việc nhanh lên.
          2. Cắt ngang lời người khác khi đang nói chuyện: Đôi khi ta đang nghe người khác nói chợt có ý nghĩ vụt qua trong đầu thế là ta liền ngắt lời người khác, nói oang oang; rất vô tư cho rằng cái ta nói mới là quan trọng, còn nghe người khác nói thì không.
          3. Dán mắt vào màn hình điện thoại khi đang trò chuyện: Việc này được nói nhiều nhưng dường như rất khó bỏ.
          4. Nói chuyện riêng trong giờ họp (học): Đôi khi ta đến các cuộc họp còn tranh thủ để làm việc riêng, nếu đây là cuộc họp (với anh) không quá quan trọng, chỉ đi cho có thành phần thì anh có thể yên lặng làm việc riêng cũng được, nhưng nói chuyện thì hoàn toàn không nên vì sẽ ảnh hưởng đến người khác (ngoại trừ trao đổi ngắn vài nội dung liên quan đến cuộc họp).
          5. Vượt đèn đỏ, lấn đường, không nhường đường người khác, bấm còi inh ỏi khi tham gia giao thông. Vẫn biết dù ta có sai thì người khác cũng sẽ phải tránh, không ai cố tình gây tai nạn cả, nhưng vẫn không nên.
          ...

          Những việc đại loại như vậy rất nhiều và diễn ra thường nhật, biết vậy mà không dễ khắc phục, nhưng cố gắng giảm được phần nào hay phần đó. Tôn trọng người khác cũng là tự tôn mình vậy. 

NGHĨ VÂN VƠ


Trong thực tế đôi khi chúng ta vẫn có những nhận thức sai lầm, rằng phải làm nhiều việc, lúc nào cũng được (bị) gọi tên, bận túi bụi suốt ngày mới là người quan trọng, mới là cống hiến, mới là mẫn cán và đáng khen (tất nhiên tôi không nói đến những ngành sản xuất, kinh doanh và một số ngành dịch vụ). Thế nhưng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực càng ít việc càng tốt. Nếu quân đội không phải đánh nhau nghĩa là đất nước yên bình, công an ít việc nghĩa là trật tự an toàn xã hội tốt, suốt năm không có đám cháy nào thì ngành chữa cháy thất nghiệp, bác sỹ nhàn nghĩa là người dân khỏe mạnh...; bộ máy công quyền nhàn hạ nghĩa là mọi thứ đều đang tốt đẹp, người dân tự giác, cán bộ thanh liêm, thanh tra thất nghiệp, tòa án ngồi chời... lương hưởng đủ (trả lương để anh ngồi chơi tốt hơn nhiều là anh làm không hết việc), tất nhiên không có việc để làm khác với có việc không làm. Còn như suốt ngày thanh tra, giám sát, tiếp dân, xử lý điểm nóng ... Nhìn qua thì quan trọng, nhưng xét cho cùng buồn nhiều hơn vui ...


            Kết luận: Đừng nhìn vào công việc, hãy nhìn vào kết quả

THÀNH TÍCH HỌC TẬP KHÔNG QUYẾT ĐỊNH ĐƯỜNG ĐỜI THÀNH BẠI CỦA MỘT CON NGƯỜI


Bạn có biết rằng hơn 36% các tỷ phú trên thế giới không hề có bằng đại học và hầu như những người thành công bậc nhất trên thế giới đều không phải là người có thành tích học tập tốt. Và bạn có biết tỷ lệ thất nghiệp cao lại nằm ở phần nhiều các sinh viên học sinh có bằng đại học? Nhiều công ty lại tuyển dụng người có kinh nghiệm và năng lực để làm việc chứ không phải là bạn có bao nhiêu tấm bằng đại học hay tấm bằng của bạn ra sao.
Thành công sự nghiệp trong đời của một người phần lớn nằm ở kỹ năng mềm mà bạn có được khi giao tiếp ngoài xã hội, người ta thường nói “Nui cao bởi có đất bồi”, bạn không sống một mình, vì vậy thành công của bạn chính là do cộng đồng đem lại.
Một điều đáng ngạc ngạc nhiên nữa là vô số những phát minh vĩ đại của nhân loại lại do những người có thành tích học tập khá bình thường làm ra chứ không phải là những người xuất chúng (Enstein, Michael Faraday, Bill Gate …) tất nhiên đây là “thành tích học tâp” bình thường chứ không phải họ kém thông minh.

Hãy giải phóng tư duy! Chỉ khi tư duy (của bạn) không bị trói buộc bởi những thứ giáo điều cũ kỹ thì lúc đó hạt giống sáng tạo (trong bạn) mới thực sự có cơ hội để nảy mầm.