Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

THÙ BẠN NGAY NAY

Trong bất cứ cuộc chiến nào, việc đánh giá đối phương là điều cực kỳ quan trọng; Tôn Tử đã đúc kết trong binh pháp: “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tuy nhiên nhận diện đúng vấn đề không bao giờ dễ, bởi vì: “những người cười với anh chưa chắc đã là bạn; những người làm anh bực mình chưa chắc đã là kẻ thù”. Còn những kẻ a dua thì không đáng tin, vì nhìn qua tưởng như họ trung thành với anh, nhưng thực tình họ chỉ nghĩ đến sự an nguy của chính họ mà thôi.
Người Trung Quốc nói: “Không có kẻ thù nào vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn, còn Thù – Bạn thì có thể đổi thay”. Trong quan hệ bang giao phải luôn đặt câu hỏi: Họ đến, họ đi thực ra là vì mục đích gì? Trước hết, các nhà tư bản (doanh nghiệp) thì mục tiêu của họ là kinh tế, không lợi (kinh tế) là họ bỏ. Nhưng để bành trướng lãnh thổ thì khác, họ có thể thiệt về kinh tế, miễn là đạt được mục đích cuối cùng.
Về ý thức hệ, sâu xa Trung Quốc có thực sự coi trọng không? Trung Quốc từng tuyên bố “ xây dựng XHCN đặc sắc TQ” nhưng họ sẵn sàng chấp nhận một Hồng Công theo con đường tư bản, họ nói “một nhà nước, 2 chế độ”, họ không chấp nhận Đài Loan độc lập, nhưng với họ, vấn đề không phải do Đài Loan theo tư bản mà vì Đài muốn tách ra (độc lập) khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng mặt khác họ hiểu người Đài Loan là người Trung quốc, sớm muộn gì cũng là một phần không thể tách rời trong lãnh thổ Trung Quốc. Ngay cả việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình với Trung Quốc chỉ là tạm giữ cho họ mà thôi.
Thế giới ngày nay không phải là thời của đấu tranh giai cấp, mà là thời của hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi, mà như ngày nay giới trẻ thường hay nói Win – Win. Trên nguyên tắc đó Trung Quốc đã khéo léo điều chỉnh các mối quan hệ và trở nên hùng cường như ta thấy. Nhưng với Trung Quốc giàu mạnh chưa đủ, mà họ còn phải là một cực lãnh đạo thế giới, cạnh tranh với Mỹ. Thế giới ngày trước chia làm 2 phe, phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Từ ngày Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành duy nhất; ngày nay Trung Quốc đang muốn chia phần, cho nên người ta nói Trung Quốc không trỗi dậy trong hòa bình là có ý đó. Một chiến lược bao vây kiềm chế Trung Quốc dường như đang được triển khai, nhưng không ai dám làm quá mạnh vì tất cả đều trong mối quan hệ đan xen, anh gây thiệt hại cho tôi thì cùng với đó bản thân anh cũng sẽ bị thiệt hại.
Về phía Trung Quốc, muốn trở thành một cực lãnh đạo thì giàu có chưa đủ mà anh còn phải có đồng minh. Thời gian gần đây nhờ tiềm lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc bắt đầu mở rộng đầu tư, một mặt thông qua đó để tiếp tục làm giàu, mặt khác tạo ảnh hưởng của mình lên những quốc gia khác, đưa họ vào con đường lệ thuộc, xây dựng một liên minh không bình đẳng. Cách chơi đó của Trung Quốc chắc chắn không bền, ngày nay nhiều nước đã bắt đầu cảnh giác.  Khi Mỹ dưới thời tổng thống Obama triển khai hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP (rất rõ ý đồ kìm Trung Quốc), Trung Quốc cũng triển khai sáng kiến “một vành đai, một con đường” để đối trọng. Thế nhưng với phương châm “nước Mỹ trên hết” hiệp định TPP dưới thời Trump đã bị bỏ dở vì Mỹ sợ bị thua thiệt.
Để lãnh đạo thế giới theo cách trước đây quả là rất tốn kém, Mỹ đã phải ném tiền ở khắp nơi, phải chăng vì thế mà nước Mỹ dưới thơi Trump đang “nghĩ lại”; với mục tiêu mới “nước Mỹ trên hết”, Mỹ bắt đầu áp thuế cao lên nhiều mặt hàng truyền thống của đối tác nên đang bị đồng minh phản ứng mạnh. Thay cho TPP cách làm của Trump có phần thô thiển hơn, đó là đánh thuế mạnh tay với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa 2 nước đến bờ vực của một cuộc chiến thương mại, còn quá sớm để nói rằng ai sẽ thắng, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thua thiệt nhiều hơn.
Để tạo ảnh hưởng của mình một cách vững chắc và đẹp đẽ, những nước văn minh đang tìm cách “xuất khẩu văn hóa”; một khi nền văn hóa của ai đó đã thấm sâu trong hồn cốt của anh, thì đương nhiên vấn đề chi phối anh là không quá khó; việc này cả Mỹ và Trung Quốc đều đang làm, nhưng kết quả phải đợi quá lâu; hơn nữa muốn hiệu quả thì bản thân anh cũng phải là thần tượng, nghĩa là anh phải có nên văn hóa phát triển cao, thể hiện sự vượt trội làm người ta thấy ngưỡng mộ. Thế nên để “ăn liền” thì không tránh khỏi việc dùng thủ đoạn kèm theo.
Để ép nước khác lệ thuộc vào mình, "cái mà người Trung Quốc thường hay làm là đầu tư quy mô lớn vào các quốc gia vốn không có khả năng để trả nợ," chuyên gia an ninh, Tiến sĩ Malcom Davis phân tích. "Nếu Trung Quốc có thể khiến một quốc gia rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng đến mức nó không thể trả hết số nợ, thì Trung Quốc sẽ lấy cái gì khác đổi lại như ….một bến cảng chẳng hạn." Đã có nhiều sự so sánh với những gì đang diễn ra ở Vanuatu và ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Pakistan và Sri Lanka. Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm khu cầu cảng nằm ở vị trí vô cùng chiến lược Hambantota, để được Trung Quốc giảm bớt nợ.
Độc lập dân tộc gắn với CNXH là nhất định không để bị lệ thuộc vào bất kỳ ai. "Nếu chúng ta không cảnh giác ngay bây giờ, thì chúng ta có thể bị ép buộc vào một tình huống mà chúng ta sẽ phải đối mặt với một xung đột quyền lực lớn hơn.". "Chúng ta cần phải xem xét khả năng đó một cách nghiêm túc".

Song song với đó, việc phải làm ngay là cải cách thể chế, chân hưng dân tộc, để xây dựng đất nước hùng cường, một cơ thể khỏe mạnh có sức đề kháng tốt thì bệnh tật sẽ lui. Ngày nay không phải là “giặc ở sau lưng nữa” mà chính xác: “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét