Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

THÙ BẠN NGAY NAY

Trong bất cứ cuộc chiến nào, việc đánh giá đối phương là điều cực kỳ quan trọng; Tôn Tử đã đúc kết trong binh pháp: “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tuy nhiên nhận diện đúng vấn đề không bao giờ dễ, bởi vì: “những người cười với anh chưa chắc đã là bạn; những người làm anh bực mình chưa chắc đã là kẻ thù”. Còn những kẻ a dua thì không đáng tin, vì nhìn qua tưởng như họ trung thành với anh, nhưng thực tình họ chỉ nghĩ đến sự an nguy của chính họ mà thôi.
Người Trung Quốc nói: “Không có kẻ thù nào vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn, còn Thù – Bạn thì có thể đổi thay”. Trong quan hệ bang giao phải luôn đặt câu hỏi: Họ đến, họ đi thực ra là vì mục đích gì? Trước hết, các nhà tư bản (doanh nghiệp) thì mục tiêu của họ là kinh tế, không lợi (kinh tế) là họ bỏ. Nhưng để bành trướng lãnh thổ thì khác, họ có thể thiệt về kinh tế, miễn là đạt được mục đích cuối cùng.
Về ý thức hệ, sâu xa Trung Quốc có thực sự coi trọng không? Trung Quốc từng tuyên bố “ xây dựng XHCN đặc sắc TQ” nhưng họ sẵn sàng chấp nhận một Hồng Công theo con đường tư bản, họ nói “một nhà nước, 2 chế độ”, họ không chấp nhận Đài Loan độc lập, nhưng với họ, vấn đề không phải do Đài Loan theo tư bản mà vì Đài muốn tách ra (độc lập) khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng mặt khác họ hiểu người Đài Loan là người Trung quốc, sớm muộn gì cũng là một phần không thể tách rời trong lãnh thổ Trung Quốc. Ngay cả việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình với Trung Quốc chỉ là tạm giữ cho họ mà thôi.
Thế giới ngày nay không phải là thời của đấu tranh giai cấp, mà là thời của hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi, mà như ngày nay giới trẻ thường hay nói Win – Win. Trên nguyên tắc đó Trung Quốc đã khéo léo điều chỉnh các mối quan hệ và trở nên hùng cường như ta thấy. Nhưng với Trung Quốc giàu mạnh chưa đủ, mà họ còn phải là một cực lãnh đạo thế giới, cạnh tranh với Mỹ. Thế giới ngày trước chia làm 2 phe, phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Từ ngày Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành duy nhất; ngày nay Trung Quốc đang muốn chia phần, cho nên người ta nói Trung Quốc không trỗi dậy trong hòa bình là có ý đó. Một chiến lược bao vây kiềm chế Trung Quốc dường như đang được triển khai, nhưng không ai dám làm quá mạnh vì tất cả đều trong mối quan hệ đan xen, anh gây thiệt hại cho tôi thì cùng với đó bản thân anh cũng sẽ bị thiệt hại.
Về phía Trung Quốc, muốn trở thành một cực lãnh đạo thì giàu có chưa đủ mà anh còn phải có đồng minh. Thời gian gần đây nhờ tiềm lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc bắt đầu mở rộng đầu tư, một mặt thông qua đó để tiếp tục làm giàu, mặt khác tạo ảnh hưởng của mình lên những quốc gia khác, đưa họ vào con đường lệ thuộc, xây dựng một liên minh không bình đẳng. Cách chơi đó của Trung Quốc chắc chắn không bền, ngày nay nhiều nước đã bắt đầu cảnh giác.  Khi Mỹ dưới thời tổng thống Obama triển khai hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP (rất rõ ý đồ kìm Trung Quốc), Trung Quốc cũng triển khai sáng kiến “một vành đai, một con đường” để đối trọng. Thế nhưng với phương châm “nước Mỹ trên hết” hiệp định TPP dưới thời Trump đã bị bỏ dở vì Mỹ sợ bị thua thiệt.
Để lãnh đạo thế giới theo cách trước đây quả là rất tốn kém, Mỹ đã phải ném tiền ở khắp nơi, phải chăng vì thế mà nước Mỹ dưới thơi Trump đang “nghĩ lại”; với mục tiêu mới “nước Mỹ trên hết”, Mỹ bắt đầu áp thuế cao lên nhiều mặt hàng truyền thống của đối tác nên đang bị đồng minh phản ứng mạnh. Thay cho TPP cách làm của Trump có phần thô thiển hơn, đó là đánh thuế mạnh tay với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa 2 nước đến bờ vực của một cuộc chiến thương mại, còn quá sớm để nói rằng ai sẽ thắng, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thua thiệt nhiều hơn.
Để tạo ảnh hưởng của mình một cách vững chắc và đẹp đẽ, những nước văn minh đang tìm cách “xuất khẩu văn hóa”; một khi nền văn hóa của ai đó đã thấm sâu trong hồn cốt của anh, thì đương nhiên vấn đề chi phối anh là không quá khó; việc này cả Mỹ và Trung Quốc đều đang làm, nhưng kết quả phải đợi quá lâu; hơn nữa muốn hiệu quả thì bản thân anh cũng phải là thần tượng, nghĩa là anh phải có nên văn hóa phát triển cao, thể hiện sự vượt trội làm người ta thấy ngưỡng mộ. Thế nên để “ăn liền” thì không tránh khỏi việc dùng thủ đoạn kèm theo.
Để ép nước khác lệ thuộc vào mình, "cái mà người Trung Quốc thường hay làm là đầu tư quy mô lớn vào các quốc gia vốn không có khả năng để trả nợ," chuyên gia an ninh, Tiến sĩ Malcom Davis phân tích. "Nếu Trung Quốc có thể khiến một quốc gia rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng đến mức nó không thể trả hết số nợ, thì Trung Quốc sẽ lấy cái gì khác đổi lại như ….một bến cảng chẳng hạn." Đã có nhiều sự so sánh với những gì đang diễn ra ở Vanuatu và ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Pakistan và Sri Lanka. Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm khu cầu cảng nằm ở vị trí vô cùng chiến lược Hambantota, để được Trung Quốc giảm bớt nợ.
Độc lập dân tộc gắn với CNXH là nhất định không để bị lệ thuộc vào bất kỳ ai. "Nếu chúng ta không cảnh giác ngay bây giờ, thì chúng ta có thể bị ép buộc vào một tình huống mà chúng ta sẽ phải đối mặt với một xung đột quyền lực lớn hơn.". "Chúng ta cần phải xem xét khả năng đó một cách nghiêm túc".

Song song với đó, việc phải làm ngay là cải cách thể chế, chân hưng dân tộc, để xây dựng đất nước hùng cường, một cơ thể khỏe mạnh có sức đề kháng tốt thì bệnh tật sẽ lui. Ngày nay không phải là “giặc ở sau lưng nữa” mà chính xác: “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”! 

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

TÂY DU KÝ, XEM VÀ CẢM NHẬN

Người nổi bật nhất Tây Du Ký là Tôn Ngộ Không, với 72 phép thần thông biến hóa, Ngộ Không có đầy đủ tài năng, trí tuệ, gan dạ, ngang tàng... nhưng người thực sự được giao trọng trách lại là Tam Tạng. Nếu nhìn qua thì có lẽ từ đầu chí cuối Tam Tạng không có gì hay. Có vẻ bất tài, yếu đuối, thường xuyên bị mắc lừa, làm cho người xem đôi lúc phải bực mình. Nhưng chân Kinh thì nhất định phải trao cho Tam Tạng, vi sao vậy?
Vì đó là bề ngoài thôi chứ thực ra ông là người cực kỳ bản lĩnh: Đối với ông đi lấy chân kinh là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả nhất và ông đã đặt trọn niềm tin vào đó đến quên cả bản thân mình. Không có bất cứ ham muốn trần tục nào cám dỗ được ông, dù đó là quyền cao chức trọng, dù đó là châu báu bạc vàng, dù đó là mỹ nhân gái đẹp ... chừng đó thôi thì ông đã thực sự là thánh nhân rồi, lũ người phàm tục như chúng ta thì chỉ có thể tôn sùng chứ làm sao học được.
Ông là một anh hùng: Không ai trong đoàn lại sợ yêu quái như ông, mới nghe nói yêu quái ông đã sợ hãi cuống cuồng, nhưng chưa bao giờ vì thế mà ông lùi bước, thậm chí là mảy may dao động. Người anh hùng nhất không phải là người không biết sợ là gì, mà là người vẫn tiến lên mặc cho nỗi sợ hãi bủa vây, cho nên chính ông mới thực sự là một anh hùng.
Ông có lòng từ bi quá lớn: Ông không bao giờ làm hại người vì thế mà ông bị yêu quái lừa hết lần này đến lần khác; nhưng với ông, thà mình bị lừa, thà mình bị chết chứ nhất định không giết người vô tội; ngay cả khi diệt được yêu quái rồi ông cũng coi đó là nhiệm vụ phải làm chứ không coi đó là sự hả hê. Những người thực sự từ bi trên thế gian này rất it, nhưng ở đâu có những người như vậy thì ở đó hạnh phúc con người sẽ đơm hoa kết trái.
Ông là thủ lĩnh tài ba: dù ông không có bằng harvard nhưng ông là người quản lý nhân sự giỏi. Đồ đệ của ông, mỗi người mỗi tính cách nên ông biết cần sử dụng và đối xử mỗi người một khác. Sa Tăng thì chịu khó, nhẫn nhục, không làm được việc khó nhưng không hay phàn nàn và ít có sai sót nên cho gánh hành lý, một công việc cũng quan trọng nhưng rất nhàm chán. Bát giới tham lam nhưng láu cá là chân sai vặt và hỗ trợ Ngộ Không khi cần. Ngộ không tài giỏi là người đứng mũi chịu sào, nhưng ngang ngạnh nên đôi khi  phải chế tài bằng biện pháp mạnh.
Người thành công là người biết sử dụng những người tài giỏi hơn mình, chừng đó đủ biết cổ nhân thật là sâu sắc.

CÓ THẬT SỰ CẦN THIẾT

Mấy hôm nay gia đình bé Nhật Linh (cháu bé bị sát hại ở Nhật) đang vân động 50.000 chữ ký để xử tên tội phạm với mức án cao nhất. Đứng về góc độ gia đình nạn nhân ta có thể hiểu được nỗi đau của họ và mong muốn công lý sớm được thực thi, cái ác phải trả giá.
Nhưng vận động 50.000 chữ ký mong kẻ ác bị tử hình để trả thù cho bé Nhật Linh liêu có cần thiết không khi mà kẻ ác đáng sắp phải ra tòa đối diện với pháp luật ở một đất nước vốn nổi tiếng nghiêm minh như nước Nhật? Tội ác đến mức nào thì sẽ có hình phát tương xứng, tôi tin các quan tòa của Nhật sẽ công tâm. Đành rằng chúng ta đồng cảm và hiểu được nỗi đau của gia đình, nhưng trước mắt chúng ta còn có pháp luật; chúng ta chỉ nên đòi công lý một khi pháp luật có sự bao che thôi, còn khao khát trả thù quá mức thì không nên. Rôi thế giới sẽ nghĩ như thế nào về người Việt Nam, một dân tộc vốn được coi là giàu long nhân ái, vị tha. Hôm nay ta mất con và ta đòi bằng được ngày mai người khác phải mất chồng, mất cha ... dù đó là người cha độc ác, nhưng ai dám chắc rằng vì thế mà họ không đau? (xin lỗi vì tôi không rõ ông ta có gia đình không)?

Nhân đây, tôi lại nhớ câu chuyên một bà mẹ nước ngoài có con bị cá sấu ăn thịt; nén nỗi đau, bà đã xin không giết con cá sấu đó; vì suy cho cùng nó cũng chỉ là loài vật không có nhận thức mà thôi; tất nhiên so sánh thế này thì cũng hơi khập khiễng; ở đây cái tôi muốn nói là lòng vị tha thôi.

BÓNG ĐÁ, VẬN NƯỚC VÀ ANH HÙNG DÂN TỘC

ĐT Việt Nam đã làm nên kỳ tích của bóng đá Việt Nam tại AFC U23 châu Á. Đó là một thực tế Và chúng ta đã đón đội tuyển về nước như đón những anh hùng, như tuần VNN viết “Ngay cả những cựu chiến binh đã ở tuổi thất thập cũng bảo rằng, chưa bao giờ có một ngày hội nào có thể sánh với lễ đón ĐT U23 Việt Nam về nước”. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và đồng cảm với tình yêu cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Các cầu thủ được nước đón, tỉnh đón, làng đón ... còn hơn đón những quân đoàn về giải phóng thủ đô.
Nhưng sau phút thăng hoa của men say chiến thắng, nghĩ lại vẫn thấy một chút buồn; rằng đôi lúc ta vẫn chưa đủ lớn để điềm tĩnh trước các sự kiện dù nó lớn đến đâu chăng nữa ...; rằng ta đôi khi cũng bồng bột dại khờ như là một đứa trẻ thôi ... Trong men say chiên thắng thậm chí có người còn liên tưởng đến vận nước, coi các cầu thủ là anh hùng dân tộc thì quả thật là một sự lộng ngôn chưa từng có. Không hiểu tại sao hôm nay lớp trẻ của chúng ta lại thích nép minh trong anh hào quang của người khác nhiều đến vậy. Chưa lâu, trong một số bạn trẻ có người hôn giày tỷ phú nước ngoài như là vinh hạnh, có người đòi giết mẹ vì không cho đi xem thần tượng... Ôi, sự cuồng si mới điên rồ và lệch lạc làm sao!

Bóng đá dù có hay đến thế nào chăng nữa thì cũng như tất cả các bộ môn thể thao, chỉ là trò chơi có ích cho sức khỏe. Và niềm đam mê bóng đá dù có lớn đến mức nào đi chăng nữa cũng không  thể làm cho vận nước đổi thay. Các cầu thủ dù có xuất sắc cỡ nào cũng không thể là anh hùng dân tộc được. Anh hùng dân tộc chỉ có Lý Thượng Kiệt; Trần Hưng Đạo; Lê Lợi; Hồ Chí Minh thôi. Họ mới là những người làm nên lịch sử, họ mời là những người có thể làm thay đổi vận mệnh của quốc gia, dân tộc được thôi.