Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Nước Mỹ-Người Mỹ.



Thái Bá Lợi
Tám mươi năm trước, nhà viết kịch Anh gốc Ireland Bernard Shaw giải Nobel văn chương 1925, sau một chuyến đi Mỹ về được hỏi quan niệm của ông về người Mỹ, ông trả lời không đắn đo: “Một người Mỹ là một thằng đểu 99%, tôi đã nói thẳng với họ như vậy, nhưng họ rất thích tôi”.
          Tám mươi năm sau chuyến đi Mỹ của Bernard Shaw, nhà văn Nguyễn Quang Lập hỏi nhà thơ Nguyễn Duy, người đi Mỹ nhiều lần, có lần ở cả 6 tháng và không phải là cưỡi ngựa xem hoa: “Ông hãy nói cho tôi biết chỉ một câu về nước Mỹ”. Nguyễn Duy cũng trả lời không cần suy nghĩ: “Đó là đầy đủ tất cả những điều mà Mác mơ ước”.

          – Ở Mỹ chẳng ai phục vụ ai. Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh vừa nấu ăn vừa nói với tôi như vậy. Anh kể hồi bà mẹ mới từ Huế sang thấy anh rửa bát nói: Tao cho mày ăn học đến tiến sĩ mà phải làm việc này. Anh Khanh nói ở đây tổng thống ăn trưa trong Nhà trắng cũng phải rửa bát. Bà cụ giận anh cho là thằng con nói xạo mình. Cả năm sau cụ hiểu ra.
          Một kỹ sư cao cấp chỉ tòa nhà nơi anh làm việc nói: Tôi đố ông có bao nhiêu người làm việc trong đó? Tôi đoán chắc cả chục ngàn người. Anh khen tôi nói gần đúng, khoảng 10 ngàn kỹ sư như anh và hơn anh đang làm việc trong đó. Tôi hỏi: Các ông làm việc gì ở cái hộp khổng lồ này. Anh đáp: “Nhiệm vụ của bọn tôi trong cái hộp đó là nghĩ ra những điều mà trên đời này chưa có. Như cái Iphone 4 hay cái máy bay B2 to đùng mà lại tàng hình được thì đã nghĩ hàng chục năm trước, hoặc lâu hơn nữa. Ông thông cảm, nước Mỹ là như vậy”.
          Người Mỹ có vẻ dễ tin người. Nếu anh khai đã lái xe an toàn 5 năm, họ tin ngay và hạ mức bảo hiểm cho anh, hay anh nói thu nhập nhà tao dưới mức nghèo, họ phát ngay cho anh cái thẻ nhận hàng cho người nghèo, tất nhiên muốn kiểm tra họ chỉ cần nhấc chuột là xong, nhưng họ chẳng cần làm điều đó vì tin nhau, tin vào sự trung thực của nhau. Vả lại luật pháp của họ chặt chẽ đến mức nếu anh nói láo thì hậu quả khôn lường. Bạn tôi làm việc ở một công ty Mỹ có nhiều người Việt nói rằng những người Việt ở đó ít khi nói chuyện với nhau, gặp nhau cũng chẳng chào hỏi. Anh nói vì người Việt không tin nhau. Cháu Hưng, năm tuổi, con một nghiên cứu sinh, một hôm đi học về nói với các chú: “Việt Nam đánh thắng Mỹ”. Các chú hỏi: “Ai nói với con điều đó. Ở đây mình tế nhị không nên nhắc đến việc đó”. Cháu Hưng dõng dạc: “Cô giáo Mỹ nói với con như vậy.”. Nếu đúng là kẻ thua trận còn niềm tin vào con người, còn người thắng trận không còn niềm tin vào ai, kể cả đồng bào mình thì cái giá cho chiến thắng đó phải trả hơi bị không phải là rẻ.
             Ở một nhà hàng bán thứ rượu vang địa phương, một nghiên cứu sinh, chưa đến tuổi 30 tâm sự:
            Những chuyện của nước Mỹ như quản lý xã hội, an sinh, y tế, giáo dục, môi trường họ đã phải làm hơn hai trăm năm mới được như bây giờ, mình cũng có thể học hỏi để áp dụng ở Việt Nam. Ngặt một điều là mình nghèo quá. Thời suy thoái của họ mà cách biệt quá lớn. 1/47 tính theo thu nhập đầu người. Bây giờ mình phải làm giàu cái đã. Làm giàu bằng cách nào? Nếu bình thường phải làm hàng trăm năm như họ nếu không có chiến tranh và tham nhũng. Còn mình đi tắt đón đầu, con đường đi đó có đúng không? Trong khi ở đây người ta tháo dỡ đường xe lửa, thì bên nhà định làm đường sắt cao tốc Bắc Nam tốn 56 tỷ đô la có phải một dạng đi tắt đón đầu không? Mà đất nước mình bây giờ hình như còn nghèo hơn. Tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, ngay đến học vấn cũng có vấn đề. Những người Việt được các viện nghiên cứu, các trường đại học cử sang đây học là những người xuất sắc, cứ gọi là tinh hoa nhưng so với những nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…họ cử đại trà hàng trăm hàng nghìn người ở mỗi trường đại học mình cũng chẳng hơn kém họ bao nhiêu, nhất là những phát minh. Chắc chú sẽ hỏi: Ngô Bảo Châu thì sao? Đúng anh ấy là niềm tự hào của Việt Nam mình nên nhà nước tổ chức tôn vinh anh ấy ở trung tâm hội nghị quốc gia. Như chú biết đấy, ở đây mà làm như vậy thì phải cần bao nhiêu cái trung tâm…
   Tháng 8-2011   
Rút  từ 80 ngày ở Mỹ. Tác giả gửi cho Quê choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét