Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Cây cam cuối cùng

Vườn cam là mơ ước cả đời ông. Có lẽ ông yêu quý nó còn hơn bất cứ thứ gì trên đời. Ăn ông cũng nghĩ đến nó, ngủ ông cũng nghĩ đến nó. Ông nâng niu, chăm sóc từng gốc cây, từng cành lá. Có lẽ vì thế mà cây cũng không phụ công người, năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả, đã thế chất lượng lai thơm ngon, nức tiếng gần xa.

Cái thời bao cấp khó khăn. Làng ông, nhà nào cũng đói. Quê ông, đất đai màu mỡ, đồng ruộng phì nhiêu, thế nhưng không hiểu sao đầu tắt mặt tối suốt ngày mà cơm không đủ no.

Vườn cam với ông là một cứu cánh, giúp gia đình ông có đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày, những năm được giá ông còn góp được khoản tiền nho nhỏ. So với những nhà xung quanh, ông có vẻ khấm khá hơn. Tất cả nhờ có vườn cam, nên ông yếu quý nó đến thế, cũng là lẽ thường tình.

Nhưng ở đời chẳng có gì là vĩnh cửu, kể cả tình yêu. Cuộc sống đôi khi đổi thay còn nhanh hơn ta nghĩ, nó làm đảo lộn mọi giá trị mà đôi khi người trong cuộc cũng không nghĩ tới.

Đó là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đổi mới là câu chữ quen dùng chứ thực ra thì trước đây người dân bị cấm đoán, nay được nới lỏng hơn trong sản xuất, kinh doanh. Chỉ thế thôi mà như có một luồng gió mới. Thì ra, khi phải sống trong ngột ngạt lâu ngày, chỉ cần hé cửa chút thôi, đã cảm thấy trong nhà thoáng hẳn. Ai cũng hít sâu đầy lông ngực, tinh thần phấn chấn hẳn lên.

Khi cửa mở ra, thì mọi cái bên ngoài có thể tràn vào, hay có, dở có; nhưng một điều ai cũng phải thừa nhận là cuộc sống dễ chịu hẳn lên.

Với bản tính cần cù chịu khó, ông vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cam như ngày nào. Nhưng rồi giá cam ngày một rẻ, càng chăm ông càng thua lỗ. Hàng Trung Quốc cái gì cũng rẻ như bèo, mà chất lượng cũng không đến nỗi. Hoa quả Trung Quốc thi hơn hẳn hoa quả Việt Nam, cả về mẫu mã cũng như chất lượng. Người ta nói rằng hoa quả Trung Quốc rất độc, nhưng nói thì nói mà bán vẫn bán, mua vẫn mua không ai cấm và có điều người ta vẫn ăn mà cũng chẳng ai bị làm sao.

Và rồi cái gì đến cũng phải đến. Chính tay ông đã đón hạ vườn cam, cũng mạnh mẽ và quyết liệt như khi ông trồng ra nó, chỉ để lại một cây trước sân nhà. Đó là cây cam đẹp, quả sai, thơm ngon không chê vào đâu được.

Nhà ông có ba người con. Đưa lớn đã lấy chồng xa, ít về. Đứa thư hai học hành dang dở, đi làm thuê tận bên Hàn Quốc. Đứa thứ ba học xong đại học đã hai năm nay đang ở nhà chờ việc. Xét cho cùng thế là cũng ổn, không còn phải lo lắng gì nhiều.


Cô con gái của ông là một đứa bé ngoan, học giỏi. Những năm học đại học, năm nào cũng được học bổng loại A, rồi nó mang tấm bằng đỏ về với bao hy vọng. Nó là niềm tự hào của ông.

Người ta nói hiền tài là nguyên khí quốc gia, nói nhiều đến nỗi không ai là không thuộc. Thế mà mãi cũng chẳng thấy cái nguyên khí ấy nó phát lộ ở đâu, ít ra là trong vom trời nam này. Vận nước thì có vẻ như một ngày lại một khó khăn hơn.
Dịp ấy tỉnh có chủ trương chiêu hiền đãi sĩ. Nó mang tâm bằng đỏ đến, xin việc làm. Người ta bảo nó về chơ đợi, rôi sẽ gọi.  Chờ mãi cũng không ai gọi. Nó lên hỏi thi người này đổ lỗi người kia.


Dù không còn vườn cam nữa nhưng gia đình ông gần đây có vẻ khá giả hẳn lên. Một là vì bây giờ gia đinh ông cũng không phải chi tiêu nhiều lắm, nhưng quan trọng hơn là đứa con bên Hàn Quốc gửi về rất nhiều tiền. Sau khi hết hạn hợp đồng, đứa con ông đã trốn ra ngoài, tiếp tục làm thuê, thế nên bảy năm rồi nó chưa có dịp về quê. Tiền nó gửi về thay người chăm sóc tuổi già cha mẹ. Những người đạo mạo thường hay giảng đạo đức cao xa, chứ còn như ông thì ông chắc một điều rằng, đứa con trai ít học giờ đây lại thành người có hiếu hơn cả. Vừa rồi ông bị bệnh thập tử nhất sinh, phải điều trị tận ngoài Hà Nội, hết gần trăm triệu, không có tiền của nó chăc giờ cũng đã hoai xương. Mà sao bây giờ cái gì cũng cứ phải tiền, viện phí thì cao, thuốc thì đắt, lại còn phải phong bì phong bao này nọ. Không có tiền thì cứ nằm đến loét thịt ra cũng chẳng ai nhìn.

Sau đận ấy, ông yếu hẳn. Giờ thì ông không còn đi làm xa được nữa, nên ông lại quay về chăm sóc mảnh vườn. Có điều giờ ông không trồng cam nữa mà quay sang trông cây cảnh. Chăm sóc cây cảnh nhàn hơn, lại kinh tế hơn, gặp khách có khi ông thu lời cả chục triệu là chuyện bình thường.

Lại nói chuyện cây cám cuối cùng ông để lại, giờ chẳng ai ngó ngàng gì nên trông nó thật thảm thương. Nhớ lại thời sung sức, năm nào nó cũng ra hàng trăm quả, mà quả nào cũng căng mọng, thơm ngon. Giờ thì quả nó ngày một ít, lại vừa chua, vừa đắng. Trẻ con vặt xong thử vài miếng, không ăn được rồi vứt lung tung. Cây cam ngày một xác xơ, nhìn nó bên mấy chậu cây cảnh mà chua xót.

Cuộc đời thật trớ trêu. Cái thứ cây chẳng hề ra hoa, chẳng hề ra quả lại được người ta nâng niu, chăm bẵm suốt ngày. Còn cái cây vắt kiệt sức mình cho ta quả ngọt, cái cây đã từng cứu đói cả gia đình thì giờ người ta lại rẻ rúng. Cuộc đời thật lắm chuyện buồn và có vẻ như ngày một buồn hơn...



Giờ đây, đứa con gái của ông cũng sắp đi làm cho một công ty nước ngoài, nghe nói họ hứa trả lương cao.

Cuộc sống nhiều khi không giống như ta nghĩ, cái tốt và cái xấu luôn tồn tại đan xen. Trong cuộc mưu sinh vất vả, đôi khi người ta đành chấp nhận sự phụ phàng. Sự hủy diệt của cái này đôi khi lại là sự ra đời của cái mới tốt đẹp hơn. Khi một cánh cữa vừa khép lại thì có thể một cánh cữa khác lại mở ra. Cuộc sông luôn vận động và phát triển.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét